Chính chiếc bi đông này đã cứu ông và đồng đội vượt qua những cơn khát cháy họng ở đất lửa Quảng Trị.
Ông Thành kể, năm 1972, trong một trận càn mà bọn Mỹ đánh vào hòng chiếm lại Thành cổ, tôi và rất nhiều đồng đội của mình bị thương. Trời nắng nóng, máu ra nhiều, anh em đều rơi vào tình trạng mất nước trầm trọng, nhiều người môi như muốn vỡ ra vì thiếu nước.
Ông Thành và chiếc bi đông đầy kỷ niệm. |
Cả tiểu đội phải nằm dưới cái nóng như thiêu như đốt của miền Trung, lại bị hoả lực địch khống chế, nước uống gần như cạn kiệt. Cả tiểu đội chỉ còn duy nhất cái bi đông của ông Thành là còn chút nước. Trong thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, họ đã chia nhau từng giọt nước để tiếp tục chiến đấu, đánh bật nhiều đợt phản công điên cuồng của kẻ thù, đợi đồng đội đến giải vây.
Chính những giọt nước ít ỏi trong chiếc bi đông đó đã giúp cả tiểu đội vượt qua những thời khắc ác liệt kinh hoàng nhất của cuộc chiến.
Sau khi phục viên trở về quê hương, ông Thành không mang theo bất cứ thứ gì ngoài cái bi đông đã cứu sống cả tiểu đội của ông vượt qua cơn khát. Chiếc bi đông như một kỷ vật nhắc nhở ông không được quên giây phút nguy nan của cuộc đời mình và đồng đội.
Bây giờ chiếc bi đông luôn được bảo quản và gìn giữ cẩn thận như là một cách tri ân với những đồng đội của ông đã ngã xuống họ đã từng chia nhau những giọt nước quý hơn cả máu và sinh mạng cuộc đời.
Khánh Gia