Lào Cai cùng với An Giang và Tiền Giang được Tổ chức Agriterra (Hội ND Hà Lan) phối hợp với T.Ư Hội NDVN triển khai Dự án Du lịch nông nghiệp (DLNN) từ tháng 9.2006.
Xây nhà, mua xe...
Bà Giàng A Nhận (phải) hướng dẫn du khách tham gia DLNN ở Tả Phìn. |
Ông Thào A Sinh, cho biết, 3 xã được chọn tham gia Dự án DLNN là Tả Van, Ô Quý Hồ và Tả Chải.
Theo đó, mỗi xã có 20-30 hộ trực tiếp làm du lịch và tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 250 gia đình, với thu nhập từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng. Ban đầu, bà con không biết làm DLNN thế nào. Được Hội ND hướng dẫn, bà con hiểu làm DLNN rất có lợi, vì con gà, bó rau, đặc sản thắng cố, thổ cẩm… sẽ bán trực tiếp cho du khách, nên lợi nhuận rất cao.
“Trước kia nhà mình chỉ làm rẫy, nay mình ở nhà nuôi gà, trồng rau, nấu ăn phục vụ du khách. Từ khi làm du lịch, mình đã xây được nhà, mua xe máy, con cái học hành đến nơi đến chốn. Nhiều nhà trong bản cũng vậy" - chị Sằn Thị Mùi - một người làm DLNN ở xã Tả Van tâm sự.
Theo ông Thào A Sinh, hiện Sa Pa có gần 80 gia đình tham gia làm DLNN, số lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Tiềm năng còn nhiều
Bà Giàng A Nhận (phải) hướng dẫn du khách tham gia DLNN ở Tả Phìn. |
Khách đến Tả Van, ban đêm sẽ được thưởng thức các màn múa quạt, nhảy sạp, thổi kèn, với giá 40.000 đồng/người. Còn ở Tả Phìn du khách sẽ được tắm lá thuốc của người Dao đỏ. Với giá chỉ 50.000 đồng, du khách sẽ được ngâm trong thùng nước tắm có 20 - 32 loại thảo dược từ 15- 20 phút.
Ông Chàng A Xả - Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: "Ở Tả Phìn hiện có khoảng 40 buồng tắm. Mỗi tháng có khoảng 1.000 du khách đến tham quan và tắm lá thuốc. Nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu từ dịch vụ này”.
Theo ông Thào A Sinh, mặc dù tiềm năng rất lớn, nhưng DLNN ở Sa Pa chưa phát huy được bởi hạ tầng, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh nghiệm phục vụ du khách, nhất là khách nước ngoài của người dân rất hạn chế, nạn chèo kéo khách vẫn còn; các sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự tạo được nét riêng của địa phương, nhiều sản phẩm vẫn nhập từ các vùng khác đến, như cải bắp, su su, thậm chí cả lợn, gà được "gắn mác" lợn Mán, gà Mông… nên làm mất uy tín các sản phẩm đặc sản của địa phượng; đồ lưu niệm chất lượng thấp, ít mẫu mã; đa số người dân làm DLNN theo kiểu "học lỏm", rất ít người được đào tạo, hướng dẫn; các hoạt động văn hóa truyền thống, khôi phục và phát triển những ngành nghề thủ công ở địa phương chưa được hỗ trợ, đầu tư thích đáng…
Để loại hình du lịch này thực sự trở thành ngành "công nghiệp không khói", việc đào tạo, phổ biến kiến thức về du lịch, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng các vùng chuyên cây, con đặc sản của địa phương để ổn định nguồn hàng phục vụ cho du khách… rất quan trọng. "Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh quảng bá loại hình này, đồng thời giúp ND phát huy lợi thế các sản phẩm nông nghiệp, các món ăn độc đáo của dân tộc" - ông Thào A Sinh bày tỏ.
Việt Tùng