Nơi miền biên viễn phía tây xứ Nghệ ấy, ở 2 trạm khí tượng và thủy văn huyện Con Cuông, công việc đầy bất trắc đó đều do các chị em gánh vác
Chị Phan Thị Hoà - Trạm trưởng Trạm Thủy văn Con Cuông bảo, chị có mặt ở mảnh đất này từ lâu lắm rồi. Quay đi ngoảnh lại đã gần 30 năm chị làm công việc "canh" dòng sông Lam. Sinh ra bên dòng sông Lam (quê chị ở Thanh Chương), lớn lên cũng bên dòng sông này, nên có lẽ số phận đã "buộc" chị gắn liền với sông nước... Chị Hòa hóm hỉnh khi nói về công việc của mình.
Đo mực nước trên dòng sông Lam. |
Lội sông “thăm” Hà Bá
Nói là vậy nhưng để bám trụ được với nghề như chị Hoà, bám trụ được với mảnh đất khắc nghiệt này thì chẳng có mấy người.
Trong ký ức của người trạm trưởng, những ngày xưa ấy vẫn khủng khiếp lắm. “Năm 1984, tôi bắt đầu có mặt ở đây. Những ngày đầu lên đây nản lắm chú à! Không bạn bè, không người thân, cơ quan chỉ có vài người... nhiều khi nhớ nhà chỉ biết khóc một mình. Không về thì nhớ nhà mà về thì đường sá xa xôi, đi lại vất vả. Có khi đi cả ngày vẫn chưa về tới nhà”.
Công việc của người làm thủy văn luôn yêu cầu phải có mặt 24/24 giờ. Mỗi lần trực là phải thức thâu đêm. Mùa khô, mỗi ngày chỉ phải đo nước 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Thế nhưng, vào mùa lũ phải đo mức nước mỗi giờ 1 lần để báo về đài Trung tâm Bắc Trung Bộ.
Để có những dự báo chính xác, kịp thời, đòi hỏi người "đo lũ" đầu nguồn phải có nguồn tin liên tục. Muốn đo được dòng nước lên xuống, bắt buộc người làm thủy văn phải lội ra dòng nước. Những lúc đó nguy hiểm luôn rình rập. Đầu nguồn, nước lên xuống thất thường. Một trận mưa lớn, dòng sông đang hiền hòa bỗng chốc trở nên hung dữ...
Chị Phan Thị Hòa
Chị Hòa kể: “Có lần lũ lên nhanh quá, tôi vừa xắn quần lội ra sông, nước từ trên đổ về quá nhanh, cả người và chiếc đèn đi bão đều trôi xuống sông. Nhờ được huấn luyện, lại là con nhà sông nước, nên tôi bơi ngay được vào bờ, bám vào cành cây ven sông nên không bị thủy thần cướp mất mạng”.
Cách trạm thủy văn chừng vài km là trạm khí tượng. Khác với những người bám sông như chị Hòa, trạm khí tượng được đặt bên cạnh một ngọn núi cao chót vót. Từ độ cao này, nắng mưa, gió bão đều được quan trắc, ghi chép cẩn thận, sau đó chuyển về Trung tâm dự báo thời tiết. Cũng như trạm thủy văn, quân số của trạm khí tượng toàn nữ.
“Không ít lần chúng tôi bắt gặp những người xung quanh cứ ngẩn ngơ nhìn mình. Có lẽ họ thắc mắc, không hiểu chúng tôi làm gì mà cứ nhìn trời, ngắm mây suốt ngày, rồi ghi ghi, chép chép” - Trạm trưởng Trạm khí tượng Con Cuông Phan Thị Nhân chia sẻ.
Khí tượng - công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao. |
Thời gian quan trắc các hiện tượng thời tiết được quy định thống nhất trong cả nước và quốc tế: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ hàng ngày. Mỗi đêm chỉ có một người trực quan trắc và điện báo về các trung tâm dự báo để nơi đây tổng hợp số liệu và đưa ra những dự báo chính xác nhất tình hình thời tiết trên cả nước.
Nghề... buồn!
Trạm thủy văn Con Cuông hiện chỉ có 2 người. Chị Hòa là Trạm trưởng và Nguyễn Thị Huyền là nhân viên. Huyền còn rất trẻ, em sinh năm 1990. Huyền là dân thành phố. Từ ngày rời xa thành phố Vinh lên đây công tác, mọi thứ với Huyền thật lạ lẫm.
“Trước khi lên trạm nhận công tác, em cứ tưởng trạm có đông người lắm, nên hào hứng vô cùng. Khi lên đây biết chỉ có 2 người, lại ở chốn rừng núi này em sợ lắm. Lần đầu tiên đi quan trắc, đi có một mình ra bờ sông trong đêm khuya vắng vẻ thật hãi hùng. Chị Hòa phải "hộ tống" em trong tuần đầu, còn bây giờ thì quen rồi" - Huyền tâm sự.
Theo kinh nghiệm của người dân miền núi, đi trong đêm tối lúc nào cũng phải mang tỏi trong người để trừ khử tà ma, mang dao để đề phòng người xấu. “Em áp dụng “bảo bối” đó triệt để nên có thêm dũng khí mỗi lần phải một mình làm việc trong đêm tối” - Huyền cười và tiết lộ.
Là người có hàng chục năm trong nghề, hơn ai hết chị Hòa là người hiểu rõ nghề nhất: “Công việc khí tượng, thủy văn đơn điệu, nặng nhọc lại đòi hỏi chính xác, hiệu quả. Ngày này qua ngày khác, chúng tôi chỉ đối diện với con nước, dòng sông và những con số vô hồn nên dễ buồn chán, nản lòng lắm. Những ngày lễ, Tết, những người làm ngành nghề khác được đi chơi, gặp gỡ bạn bè, người thân vui vẻ, mình thì ngồi ghi chép số liệu rồi đi đo mực nước, suy nghĩ về người thân mà muốn khóc”.
Trạm khí tượng Con Cuông biên chế có 3 người, cũng đều là phụ nữ: Trưởng trạm Phan Thị Nhân (35 tuổi), 2 nhân viên Nguyễn Thị Hồng Thắm (29 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thủy (28 tuổi).
Chị Nhân chia sẻ: "Thức đêm là "đặc sản" của nghề này, mỗi giờ, người trực phải quan sát hiện tượng khí tượng một lần và ghi chép số liệu. Còn gặp đêm trời mưa bão thì phải quan sát liên tục, đâu có ngủ nghê gì được. Số liệu khí tượng thủy văn tuyệt đối chính xác. Nếu không sẽ ảnh hưởng tới dự báo chung của một vùng miền, thậm chí cả nước. Điều đó dẫn đến khả năng dự báo sai rất nguy hiểm".
Niềm riêng ai tỏ
Ngoài sự vất vả, nỗi lo lớn nhất với một phụ nữ khi bước vào nghề khí tượng thủy văn đó là mái ấm gia đình. Hồng Thắm quê ở Đô Lương, đã 29 tuổi rồi mà vẫn "lính phòng không". Thắm không giấu được sự lo lắng: "29 tuổi vẫn chưa có bạn trai, nhiều khi nghĩ tủi thân, nghề khác thì họ được giao lưu, nghỉ ngơi còn bọn em, ngay cả Tết cũng đón giao thừa tại trạm. Cứ đà này chắc em ế mất anh ạ, bây giờ về nhà bố mẹ giục ghê lắm...".
Đồng nghiệp của Thắm là Thủy cũng có nỗi lo như vậy. Riêng với những người đã có gia đình như chị Nhân, sự vắng mặt thường xuyên của các chị cũng là nỗi dằn vặt thường trực: “Chồng tôi là bộ đội biên phòng đóng cách đây 20km, lâu lâu mới về một lần. Nhiều khi chồng về mà mình phải trực, nghĩ cũng thương chồng, nhưng không biết làm sao. May mà chồng hiểu và thông cảm”.
Với chị Hòa, chuyện gia đình còn là một vết thương lòng quá lớn. Chồng chị đã không chịu nổi cái nghề “sớm nắng chiều mưa” của vợ mà dứt áo ra đi tìm hạnh phúc mới. Chị Hòa bảo, nhiều đêm trằn trọc bởi những nỗi buồn, những suy nghĩ giằng xé, chị cũng thấy có lỗi với người thân. Giữa thời bình mà chị cứ đi biền biệt, 2 đứa con cũng nhờ tay ông bà nuôi dưỡng. Thương các con, lúc nào cũng phải ngóng trông bóng dáng của người mẹ...
Chúng tôi lên Con Cuông đúng vào mùa khô, sông Lam mùa này đẹp hơn những gì tôi tưởng. Sông hiền hòa trôi, vắt qua đó là chiếc cầu treo Chôm Lôm uốn lượn như dải lụa mượt mà. Ký ức về vụ đắm đò tại Chôm Lôm, nơi cách trạm Thủy Văn của chị Hòa có mấy bước chân, vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người nơi đây... Nhưng tôi biết, sau những biến cố, những mất mát lớn trong đời, chị Hòa giờ đã tìm được sự bình yên nhờ công việc. Cũng như dòng Lam kia, sau những giờ phút hung tợn dữ dằn là một dòng sông hiền hòa êm chảy.
Hạnh Lâm - Hoài Thu