Hai vòng đấu trước, khi báo chí lên tiếng nhắc nhở, Ban Tổ chức V.League mới vội vàng ra thông báo yêu cầu các sân bóng có dòng chữ: "Chúng ta chia sẻ sâu sắc cùng nhân dân Nhật Bản" tại các trận đấu V.League vòng 7, đồng thời yêu cầu khán giả, cầu thủ, lãnh đạo các đội bóng và các sân vân động sẽ dành 1 phút mặc niệm cho những nạn nhân xấu số trong vụ động đất và sóng thần.
Đây là một nghĩa cử nhân văn - dù phải nhắc nhở. Điều đáng tiếc là lẽ ra sau hành động nhân văn đó, các cầu thủ vào sân cũng phải có ý thức tương tự. Nhưng không, vòng 7 lại là vòng đấu mà xảy ra rất nhiều chuyện, từ những pha bóng thô bạo, tới việc tranh cãi và hành hung trọng tài. Nghĩa là suy cho cùng, tấm băng- rôn và sự tưởng niệm kia có vẻ như là một hình thức.
Vòng đấu thứ 9, người ta thấy sự đối phó một cách vô lý khác: Giá vé SVĐ Hàng Đẫy tăng gấp 8 lần với mục đích hạn chế cổ động viên Hải Phòng đến sân xem đội bóng của mình thi đấu.
Và trận đấu sớm ngày hôm qua, giữa Hà Nội T&T và SLNA, nhiều người hy vọng rằng Ban Tổ chức sân, các cầu thủ 2 đội sẽ có hành động, nghĩa cử gì đó để chia buồn hay ủng hộ những nạn nhân trong vụ sập mỏ đá ở Lèn Cờ (Nghệ An). Không có tấm băng-rôn nào, cũng không có phút tưởng niệm nào, và trên khán đài chính những cổ động viên Nghệ An mới khiến nhiều người xúc động khi họ có tấm băng - rôn bé xíu như nhắc nhở các cầu thủ xứ Nghệ, các cầu thủ Hà Nội T&T và cả V.League hãy hướng về nỗi đau ở Lèn Cờ.
Bóng đá Việt vẫn ích kỷ trong vòng xoáy chuyển nhượng, trong sự tranh cãi thắng thua, trong sự phản ứng với trọng tài.
Một lần nữa người ta phải đặt câu hỏi: Bóng đá Việt thực sự có giá trị gì trong xã hội hay chỉ là những đối phó cho mình an toàn?
Vi Thành