Dân Việt

Đời thợ đá: "May nhờ, rủi chịu, biết làm sao”...

06/04/2011 19:07 GMT+7
(Dân Việt) - Ông Phan Văn Tế - một thợ đá có hơn 20 năm kinh nghiệm dõng dạc nói với tôi về kinh nghiệm phòng tránh tai nạn. Giờ đây quay trở lại, chúng tôi không còn gặp ông nữa...

Mưu sinh bên miệng tử thần

Tôi trở lại mỏ đá đồng Bà Ứng, thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà (Phú Yên). Một năm trước, tại đây, ông Phan Văn Tế - một thợ đá có hơn 20 năm kinh nghiệm dõng dạc nói với tôi về kinh nghiệm phòng tránh tai nạn của mình trong suốt 20 năm nghề. Thế nhưng bây giờ quay trở lại, chúng tôi không còn gặp ông nữa. Ông vừa ra đi vì sụp hầm đá. Tại lán trại ông làm, chỉ còn một cái trang thờ.

img
Ông Cao Văn Chim (xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hòa) đục tảng đá vừa được vỡ bằng mìn tự tạo.

Vậy nhưng cũng chỉ cách nơi ông Tế bỏ mạng vài bước chân, tiếng chẻ đá vẫn chan chát bên tai. Chốc chốc, những chiếc xe tải đến bốc đá rồi đi. Việc khai thác đá vẫn diễn ra nhộn nhịp. Cứ sau một mùa mưa, khu vực Đèo Cả có nhiều vết nứt mới xuất hiện trên các triền núi. Phía bên dưới, những viên đá to đã được lấy đi, để lại những khoảng trống chênh vênh.

Để có được vài chục nghìn mỗi ngày, đôi khi những thợ đá phải trả bằng tính mạng. Hiểm họa sập hầm luôn treo lơ lửng trên đầu những thợ đá nông dân chân đất.

Ngay cạnh nơi khai thác đá là những túp lều tạm, nơi ăn ở của các thợ đá. Có người vì tứ cố vô thân đã đưa cả gia đình vào nơi làm đá sinh sống.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lắng là một ví dụ. Chị cùng 2 đứa con đang học tiểu học ở trong túp lều bằng bạt che tạm dưới chân núi và sống nhờ vào vài chục nghìn đồng mỗi ngày từ tiền làm đá của chồng.

Chị Lắng cho biết: “Có đêm nằm ngủ nghe đá rơi xuống ầm ầm, sợ đá đè, cả nhà phải bỏ chạy. Biết làm nghề này và ở đây là khổ, nguy hiểm lắm nhưng mà giờ mình nghèo quá, không có miếng đất cắm dùi, phải chấp nhận vậy chứ biết làm sao”.

Tại khu vực Đèo Cả, thuộc huyện Đông Hoà, có khoảng 50 điểm khai thác đá lớn nhỏ. Trung bình mỗi hầm đá có từ 30- 50 thợ đá. Nếu tính tất cả các công trình khai thác đá từ xã Hoà Xuân Tây trở vào đến Đèo Cả thì số thợ đá lên đến 1.000 người. Bất kể mùa nắng hay mưa, những tấm bạt được căng lên, phía dưới những phiến đá nặng trăm tấn kia là những thợ đá đang miệt mài đục, đẽo.

Ông Cao Văn Chim - một thợ đá đang làm việc tại mỏ đá Hóc Lựu (Hoà Xuân Nam, Đông Hoà), cho biết: “Một lao động giỏi lắm cũng chỉ kiếm được 2 triệu đồng/tháng. Bình thường thì mỗi anh em thu nhập chỉ 40.000-50.000 đồng/ngày, gọi là đồng cá đồng mắm qua ngày. Ở nhà trông vào vài sào ruộng chỉ có đói. May nhờ, rủi chịu, biết làm sao”.

Cách đây không lâu, một sườn núi tại mỏ đá Hóc Trùm (Hoà Xuân Tây, Đông Hoà) bất ngờ đổ sập đè chết 3 thợ đá. Một mỏ đá ở Phú Khê (Hoà Xuân Đông) cũng vừa sập hầm đá, 5 thợ đá thiệt mạng. Riêng khu vực huyện Đông Hoà đã có không dưới 10 người tử nạn và hàng trăm người bị thương tích do đá đè.

Hiểm họa rình rập

Khu vực Đèo Cả được kiến tạo bởi những phiến đá riêng rẽ, xếp chồng lên nhau, dân địa phương gọi là đá mồ côi. Mùa mưa, đất tại các khu vực mỏ đá bị nhão, rất dễ xảy ra hiện tượng sạt lở. Bằng chứng là khu vực Đèo Cả, mỗi khi mưa dầm là sạt lở gây ách tắc giao thông. Và sau mỗi mùa mưa, rất nhiều vết nứt mới xuất hiện trên các vách núi.

Một thợ đá tại đây cho biết: “Chuyện tai nạn lao động anh em cũng đã thấy rồi. Chủ yếu anh em thợ bạn nhắc nhở nhau, tự rút kinh nghiệm là chính. Còn khi rủi ro cũng không biết đâu mà tránh!”.

100% thợ đá tại khu vực Đèo Cả là dân nông thôn đến từ 3 xã Hoà Xuân Tây, Hoà Xuân Đông, Hoà Xuân Nam và một phần xã Hoà Vinh (huyện Đông Hoà). Họ làm việc theo từng nhóm và đăng ký bán đá cho các chủ thầu xây dựng theo giá thoả thuận. Không một ai có bảo hộ lao động.

Các thợ đá làm đá bán cho các chủ thầu với giá bằng 75% giá thực tế. Những thợ đá khó khăn thì được các ông chủ cho ứng tiền trước và trả lại bằng đá thành phẩm. Việc phòng tránh tai nạn, thương tích thì thợ đá chỉ trông chờ vào kinh nghiệm và sự rủi may của số phận.

Ở những mỏ đá, vẫn còn tình trạng các thợ đá lén lút sử dụng chất nổ để vỡ những tảng đá lớn. Thuốc nổ được mua lại từ những người buôn đồng nát, kíp nổ do thợ tự tạo. Nhìn những người thợ tay không làm mìn mới thấy hiểm nguy đang chực chờ họ.

Thợ đá Cao Văn Chim phân trần: Mấy chú cũng biết việc bắn mìn Nhà nước không cho phép. Nhưng viên đá to như cái nhà thế này mà không có thuốc nổ thì lấy sức đâu mà vỡ nó ra được. Thực tế, nổ mìn phá đá cũng là một nguyên nhân gây thương tích cho nhiều thợ đá ở Phú Yên.