Dân Việt

Về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bịt kẽ hở trong thu hồi đất

20/11/2012 09:29 GMT+7
(Dân Việt) - Cách thức xác định giá đất; cơ chế để tăng cường sinh kế cho nông dân mất đất; sự minh bạch, dân chủ trong giải phóng mặt bằng đền bù đất... là những nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra khi thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 19.11.

Định giá đất vẫn... mơ hồ

Dự thảo luật xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên giá đất phải do Nhà nước quyết định. Khung giá đất, bảng giá đất được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất...

img
Đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) phát biểu thảo luận sáng 19.11.

Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng, khung giá đất được xác định theo Luật Đất đai năm 2003 với quan điểm “sát giá thị trường” lại xơ cứng, hình thức, chưa phản ánh đúng giá trị thực của đất. ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) cho biết: “Việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất có liên quan chặt chẽ đến sinh kế của người dân. Việc thu hồi đất trong thời gian qua chưa thành công với nguyên nhân bắt nguồn từ sự mơ hồ của khái niệm “sát giá thị trường””. Theo ĐB Sang và một số ĐB khác, dự thảo lần này đưa nguyên tắc xác định giá đất mới là “phù hợp với giá thị trường” cũng “na ná”, “mờ mờ khó hiểu” như khái niệm “sát giá thị trường” hiện nay.

ĐB Sang nêu: Thực tế, bảng giá đất tại các địa phương còn kém xa so với giá thị trường. Điều này khiến ngân sách nhà nước bị thất thu, còn người dân bị thu hồi đất phải chịu thiệt thòi, dẫn đến phản ứng và khiếu kiện. Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hà Văn Khoát lo âu, với giá đất nông nghiệp được xác định thấp như hiện nay, sau khi nhận được đền bù, nông dân không thể mua được một suất đất để ở hoặc kinh doanh dịch vụ vì giá đất ruộng lúc này đã tăng lên hàng chục, hàng trăm lần.

Từ đó, một số ĐB đề nghị nên áp dụng một khái niệm khác là giá đất “công bằng”. Giá đất này được thông qua bởi một cơ quan chuyên trách, độc lập có sự tham gia của người dân. ĐB Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) nói: “Cần xây dựng cơ quan chuyên trách để định giá đúng giá đất, từ đó áp dụng bảng giá phù hợp. Điều này sẽ giảm bớt sự thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất, giảm bớt khiếu kiện về đất đai”.

Hạn chế tối đa việc giao Chính phủ hướng dẫn luật

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng: “Đất đai là nguồn lợi lớn nên dễ dẫn đến tham nhũng. Vì vậy, chúng ta cần xem việc sửa đổi Luật Đất đai là cơ hội để phòng chống tham nhũng”. Theo nữ ĐB này, một trong những giải pháp để hạn chế tham nhũng là các quy định phải được cụ thể hóa ngay trong luật và luật phải tăng cường tính dân chủ.

Bà Hải nhấn mạnh: “Cần hạn chế tối đa việc giao cho Chính phủ ra văn bản hướng dẫn dưới luật vì thực tế có nhiều tiêu cực xảy ra do quá nhiều văn bản dưới luật không thống nhất, mâu thuẫn; thậm chí có không ít văn bản phục vụ cho lợi ích nhóm”.

Còn theo thống kê của ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), dự thảo có 192 điều thì có đến 70 điều Chính phủ quy định. ĐB đề nghị, dự thảo phải cụ thể hóa hơn nữa, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp. “Cần quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp khi làm sai quy hoạch, trái thẩm quyền, sai quy trình thủ tục để xảy ra quy hoạch treo. Thực tế, khiếu kiện đất đai chủ yếu do các lỗi này” - ĐB Vở nói.

Các ĐB cho rằng, nếu quy định về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đất lỏng lẻo dễ dẫn đến việc “tham nhũng một cách hợp pháp” của bộ máy công quyền. ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng: “Với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lợi ích nhóm là điều rất dễ xảy ra”. Theo ĐB Cường, để khắc phục điều này, vấn đề lập quy hoạch, kế hoạch và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phải có sự tham gia của người dân và chuyên gia.

Nhiều ĐB cũng đề nghị có các cơ chế để bịt những kẽ hở trong thu hồi đất. ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên) cho rằng, dự thảo luật quy định trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thể thu hồi đất ở các dự án phục vụ lợi ích công cộng theo bảng giá đất do Nhà nước công bố. Tuy nhiên, nhiều khi khó xác định rõ đâu là công trình mang lợi ích công cộng nên dễ nảy sinh tiêu cực, khiếu kiện. “Xây dựng một khu đô thị có thể là lợi ích công cộng nhưng cũng có thể là lợi ích của một nhóm người, vì vậy cần xác định rõ nội hàm lợi ích công cộng ngay trong luật” - ĐB Hương yêu cầu.

Giữ hạn điền là kìm hãm nông nghiệp phát triển

Một số ĐB lo ngại việc dự thảo mở rộng hạn điền và thời hạn sử dụng đất sẽ tạo ra một bộ phận lớn nông dân mất đất, gây bất ổn xã hội. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng đây là xu thế tất yếu trên thế giới. ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) khẳng định: “Việc tăng tích tụ ruộng đất là tất yếu, nếu không thực hiện sẽ giảm năng suất, giảm tính đồng đều của sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, hiện nay, nhiều hộ tích tụ được hàng chục, hàng trăm ha nhưng không làm đủ thủ tục chuyển nhượng, làm cho công tác quản lý càng phức tạp. Vì thế, dùng hạn điền để giảm tích tụ đất đai là không hiệu quả. Việc hạn điền chỉ đảm bảo được nguyên tắc đặt ra trước đây là người cày có ruộng chứ không vì một nền nông nghiệp phát triển”.

Nghiên cứu cơ chế đền bù bằng đất

Theo ĐB Y Thông (Phú Yên), hiện nay, cơ chế đền bù đất thường bằng tiền. Ở những vùng kém phát triển, dân trí thấp, việc nông dân cầm tiền đền bù để mua đất sản xuất tiếp là rất khó bởi họ có thể dùng tiền để giải quyết những mục đích trước mắt. Sau đó, hết tiền, không có đất sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn. Do vậy nên chăng cần nghiên cứu, ngoài việc đền bù đất bằng tiền cần có thêm đền bù bằng đất sản xuất với bà con nông dân.