Dân Việt

CSGT tham nhũng - không phải chuyện vặt

21/11/2012 13:11 GMT+7
(Dân Việt) - Kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng nhìn từ góc nhìn của công chức, người dân và doanh nghiệp” được công bố ngày 20.11 tại Hà Nội, cho thấy, cảnh sát giao thông là một trong 4 ngành (lĩnh vực) xảy ra tham nhũng phổ biến nhất.
img
Một CSGT đang "làm luật" tại Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo đó, nhận tiền và không xử phạt lỗi vi phạm của người tham gia giao thông được coi là hành vi tham nhũng.

Kết quả điều tra xã hội học trên đã phần nào phản ánh khách quan và chính xác tình trạng tham nhũng hiện nay. Rõ ràng, tỷ lệ người dân đưa tiền cho cảnh sát giao thông tính trên đầu người rất cao, bởi vì đã lái xe trên đường là có thể vi phạm luật giao thông, và nhiều người vi phạm đối phó bằng cách đưa tiền chuộc lỗi. Còn đối với các loại xe khách, vận tải hàng hóa đường dài, chuyện đưa hối lộ cho cảnh sát giao thông gần như là “đương nhiên”. Trong chi phí kinh doanh của họ, khoản tiền “mãi lộ” là một trong khoản cơ cấu không thể thiếu.

Tham nhũng trong ngành cảnh sát giao thông không phải số tiền lớn, hàng chục, hàng trăm tỷ đồng như ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng. Cảnh sát giao thông chỉ cầm vài trăm, vài triệu đồng, nhưng thực tế này xảy ra trên khắp đất nước. Hành vi tham nhũng diễn ra hằng ngày, hằng giờ, ở đâu có xe cộ, tàu thuyền hoạt động, ở đó ít nhiều có tham nhũng. Nếu tính riêng từng vụ một cá nhân hay nhóm người nhận tiền hối lộ, thì không lớn, nhưng tổng cộng tất cả các vụ cảnh sát giao thông nhận tiền khắp cả nước trong một ngày chắc chắn là không nhỏ, tính cả năm sẽ là khổng lồ. Cho nên, tham nhũng vặt mà không vặt.

Tác hại của nạn tham nhũng trong ngành cảnh sát giao thông còn ở chỗ khác, không phải tính bằng tiền và cũng không thể tính được hậu quả. Cảnh sát giao thông hằng ngày nhận tiền hối lộ của dân là đục khoét niềm tin của dân đối với lực lượng công an và chính quyền. Dần dần, dân không còn niềm tin nữa. Thật đáng sợ khi dân chúng bị mất niềm tin. Niềm tin của dân không thể là chuyện vặt.

Nhận vài trăm nghìn đồng hoặc vài triệu đồng, để cho một chiếc xe chở quá tải hoặc vượt số khách cho phép, cảnh sát giao thông có thể gián tiếp gây ra một vụ tai nạn giao thông. Nếu như cảnh sát xử lý nghiêm, đúng luật, thì có thể ngăn chặn một vụ tai nạn, người sẽ không chết hoặc không bị thương. Mạng sống của dân càng không thể là chuyện vặt.