Tô Hoài năm 18 tuổi
Tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam đã đi trọn hành trình 70 năm kể từ ngày bản đầu tiên năm 1941 mang tên “Con dế mèn” được nhà Tân Dân xuất bản. Hồi ấy nhà văn lão thành Tô Hoài chỉ mới 18 tuổi, viết văn như là một cách để giải thoát những ước ao kìm nén, ông nhìn cuộc sống bằng con mắt trong veo và luôn mơ tới “một thế giới đại đồng”. Một tác phẩm kinh điển cho thiếu nhi, sống động suốt hơn hai phần ba chiều dài một thế kỷ mà nhà văn chỉ viết trong có 3-4 đêm, bằng màu mực tím học trò.
Đồng nghiệp và các thế hệ bạn đọc chung vui với nhà văn Tô Hoài (ngồi giữa) sáng 20.11. |
Nhà văn Tô Hoài nhớ lại: “Tôi chọn nhân vật Dế mèn vì có một thực tế là thuở nhỏ, tôi chơi dế mèn trên bờ sông Tô Lịch. Lúc đó Hà Nội không như bây giờ, sông Tô Lịch rất xanh và trong. Tôi ở Nghĩa Đô, lúc đó sông Tô Lịch, những cánh đồng lúa làng Bái Ân, làng Nghĩa Đô, làng Hồ, làng Yên Thái… còn là thiên đường của trẻ con, chúng tôi có thể chơi suốt ngày ở ngoài đấy. Những trò đúc dế, đấu dế, tôi rành đến chân tơ kẽ tóc. Toàn bộ không gian của “Dế mèn phiêu lưu ký” chính là ở vùng ngoại ô ấy. Tôi đã tả, kể dế mèn bằng chính những kinh nghiệm của mình”.
“Dế mèn phiêu lưu ký” không chỉ là một tác phẩm đồng thoại cho thiếu nhi đơn thuần, mà nó là chốn gửi gắm bao tư tưởng của một chàng trai 18 tuổi, cái tuổi mà mộng mơ tràn căng như nhựa sống. Từ hai cuốn sách gối đầu giường là “Gu-li-vơ du ký” và “Con chim xanh”, Tô Hoài đã sáng tạo nên một thế giới lung linh của riêng ông cùng với những chú dế, bác xén tóc, chị nhà trò, bà kiến chúa, anh bọ ngựa, cô cào cào... Một thiên nhiên và thế giới loài vật vô cùng gần gụi với trẻ em, trong đó, có vấp váp, có lỗi lầm, có hiểu nhầm, có những phút gian nguy, nhưng tình yêu thương sẽ hóa giải tất cả trong một thế giới đại đồng, anh em bốn biển là nhà. Nhà văn thừa nhận: “Đó là tư tưởng của tôi, cũng như tư tưởng phần đông lớp tiểu tư sản tri thức buổi đầu giác ngộ hay ước mơ vẻ đẹp lý tưởng”.
Bài học làm người
Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến đánh giá, văn học cho thiếu nhi hôm nay đang thực sự thiếu những tác phẩm giàu tính nhân văn và có tính giáo dục cao nhưng không hề khô cứng như “Dế mèn phiêu lưu ký”. Thông qua những khát vọng của Dế mèn, bao nhiêu thế hệ trẻ VN đã được tác phẩm khơi dậy trong lòng họ những ước mơ vượt ra khỏi thế giới cá nhân cỏn con. Làm sao quên được những đoạn văn hào sảng đầy mời gọi: “Hỡi ôi! Còn chi buồn bằng tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và tấm lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng... Tôi không muốn, cho đến lúc nhắm mắt, vẫn phải ân hận chẳng biết đằng cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đấy ra sao”.
Bao nhiêu đứa trẻ đã rớt nước mắt cảm động vì tình anh em của Dế mèn và Dế trũi, gặp lúc gian nguy, cả hai trôi trên cánh đồng lụt, sắp chết đói, Dế trũi đã mời anh kết nghĩa ăn đôi càng của mình để sống, đừng chết uổng cả hai. Nhưng Dế mèn không nghe, vì thương em và vẫn muốn em đừng vội ngã lòng trước nguy khó. Trường đoạn ấy giá trị hơn hàng ngàn bài học về đạo đức luân lý, bởi nó đã diễn tả vô cùng sống động và đầy cảm xúc chứa chan về lòng nhân ái vô hạn.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên- Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội xúc động nhận định: “Trong năm 1941, văn xuôi VN ngẫu nhiên xuất hiện hai nhân vật, đó là Chí Phèo của Nam Cao và Dế mèn của Tô Hoài. Chí Phèo đòi lương thiện làm người. Dế mèn đi tìm thế giới cho người lương thiện. Bây giờ hậu duệ của Chí vẫn đông khi tính thiện vẫn đang bị thách thức, còn Dế mèn ngoái lại phía sau cũng thấy ít bước chân đi tiếp. Đó có phải là điều day dứt từ trang văn vào trang đời?”.
Đọc lại “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài để thấy tác phẩm này không chỉ dành cho thiếu nhi mà cần cho mỗi con người trong cuộc học tập vĩ đại nhất đời mình: Học làm người và sống cho ước mơ một thế giới đẹp tươi của tính thiện.
Lê Tâm