Đó là một trong những đề xuất của Liên minh Đất đai (LANDA - diễn đàn của 18 tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý xây dựng Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (dự thảo công bố ngày 7.1.2014).
Nhóm nghiên cứu của LANDA, VCCI (trái) trong một buổi làm việc.
Nội dung bản kiến nghị của LANDA và VCCI được đưa ra dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn của Đà Nẵng và TP.HCM – hai địa phương có cách làm hay trong việc gia tăng đối thoại giữa chính quyền và người dân, giữa nhà đầu tư và người dân để gia tăng đồng thuận trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn, đại diện nhóm “Nghiên cứu bằng chứng tại Đà Nẵng và TP.HCM góp ý cho dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013”, trong thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện một mô hình thu hồi đất theo dự án, dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa nhà đầu tư sẽ được giao đất, cho thuê đất và những người bị thu hồi đất. Trong trường hợp được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất, HĐND thành phố sẽ thông qua nghị quyết, trong đó yêu cầu bắt buộc sử dụng dịch vụ định giá đất độc lập để xác định giá đất phù hợp (hiện có 35-40 tổ chức có chức năng định giá đất đang hoạt động tại TP.HCM).
Sau đó, thành phố thành lập Hội đồng thẩm định giá để xem xét và đưa ra giá đất đã được thẩm định và bước cuối cùng là UBND thành phố quyết định giá đất sẽ áp dụng. UBND thành phố cũng động viên các nhà đầu tư tự nguyện thực hiện quá trình đối thoại với những người bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khi sự đồng thuận đạt được ít nhất 70% số trường hợp mà không thể tiến triển thêm thì UBND thành phố mới can thiệp bằng quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích không thể thỏa thuận giữa 2 bên. Cơ chế này giúp cho nhà đầu tư chủ động trong triển khai thực hiện và dễ dàng tạo đồng thuận giữa nhà đầu tư sẽ được nhận đất và những người sẽ bị mất đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo dự án đầu tư, đồng thời giảm nhẹ khối lượng công việc của các cơ quan nhà nước tham gia quá trình này.
Theo nhiều khảo sát, số lượng khiếu kiện của người bị thu hồi đất trong thực hiện cơ chế này ở TP.HCM rất thấp, đa số hài lòng với phương án đã thực hiện.
|
Trên cơ sở kinh nghiệm của TP.HCM, sau khi tổng hợp ý kiến chuyên gia, ý kiến các tổ chức thành viên, LANDA và VCCI đã gửi bản kiến nghị đến Ban soạn thảo các Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013, trong đó đề xuất bổ sung 1 điều (tạm gọi là điều 75c) quy định về quá trình đối thoại cần thực hiện giữa chính quyền và những người bị thu hồi đất khi thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch vào sau Điều 75 Dự thảo nghị định này.
Theo dự kiến, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 sẽ được Chính phủ xem xét ban hành vào cuối tháng 5.2014.