“Áp suất dầu phanh của xi-lanh bánh sau vượt mức tiêu chuẩn từ 1,5 - 2 lần; bu lông bắt móc neo chân ghế bị giảm lực siết. Siết bu lông camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn”. Đây là 3 lỗi kỹ thuật xảy ra trên khoảng 9.000 chiếc xe hiệu Innova và Fortuner được xuất bán trên thị trường Việt Nam.
Miễn cưỡng, Toyota Việt Nam đã lên tiếng thừa nhận các lỗi kỹ thuật này, dù đến giờ họ vẫn cho là không ảnh hưởng đến an toàn của xe.
Không ai dám nói những lỗi này là lỗi vặt, là nhỏ, khi phanh là bộ phận quan trọng nhất của chiếc xe. Nhưng dẫu sao, những chiếc xe Toyota đưa ra thị trường cũng đã qua kiểm tra theo quy trình, và sự cố, hay sự nguy hại là “không phát hiện ra”. Dẫu sao, cũng chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Dẫu sao Cục Đăng kiểm đã “chính thức có ý kiến”. Dẫu sao Cục Quản lý cạnh tranh đã “yêu cầu báo cáo”...
Và dẫu sao, đó vẫn chỉ là “chuyện con ốc” là “lỗi bulông” so với đầy những lỗi khác đang xảy ra như cơm bữa.
Báo Tuổi trẻ cuối tuần rồi vừa có một phóng sự ảnh khiến những người có lương tri cảm thấy bất nhẫn. Đó là câu chuyện chị Đào Thị Mừng đi mua thuốc “chữa nóng” cho con. Người mua không thể đọc được những dòng chữ tượng hình ghi trên tem nhãn. Người bán cũng không hiểu thứ thuốc mình bán là loại gì, bao bì ghi gì. 10.000 đồng cho hai vỉ thuốc. Và có lẽ, người mua cho rằng nó “chữa nóng” được cho trẻ em chỉ vì trên bao bì có in hình một đứa trẻ.
Câu chuyện xảy ra ở Lũng Phìn (Đồng Văn, Hà Giang). Đó là nơi những vỉ thuốc quá hạn vài năm vẫn được bán thoải mái cho đồng bào; nơi chỉ cần vài đồng “thuế chợ” một bà lang có thể mở hàng thuốc; nơi thuốc chữa bệnh được bày bán trong những túi cóc nilon sát bên hàng bùa chú của các “phù thuỷ”; nơi người dân đè nhau ra giữa chợ nhổ răng cho nhau, cũng là nơi mà thuốc chữa bệnh được bày bán trên đất, ngay bên thuốc tăng trọng lợn và... khô mực.
Câu hỏi vì sao thực ra không khó trả lời. Là bởi Bộ Y tế còn loay hoay với câu chuyện hết quản lý lại đến bình ổn giá thuốc thả lỏng hoàn toàn thị trường dược phẩm ở vùng cao cho thuốc ngoại “đeo gùi vượt biên”. Là bởi thuốc nội, vì lý do tỷ suất lợi nhuận, đã chỉ dừng chân ở các thành phố, chỉ xuống được đồng bằng. Ai cũng biết, ở miền núi, sự thiếu trách nhiệm dễ có chỗ ẩn núp hơn.
Có thể, tới đây Toyota Việt Nam sẽ phải sửa những chiếc xe lỗi. Có thể họ sẽ bồi thường.
Nhưng rất khó có một chủ hãng dược phẩm nào hoặc quan chức ngành y tế, hoặc lãnh đạo địa phương cúi đầu nói lời xin lỗi khi mà sự thiếu trách nhiệm của họ, trong thực tế, đang biến sức khoẻ và tính mạng của đồng bào vùng sâu, vùng xa thành trò đỏ đen.
Anh Đào