Sau Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng lần đầu được tổ chức ngày 5.5, phóng viên NTNN đã phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4) và ông Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) xung quanh những thông điệp mới được đưa ra tại hội nghị.
Theo nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “tham nhũng vẫn đang là một thách thức, một bức xúc lớn của xã hội”. Quan điểm của các ông về vấn đề này thế nào?- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Sau khi có Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, cộng với Nghị quyết Hội nghị T.Ư4, tình hình chống tham nhũng của chúng ta có những cải thiện đáng kể, nhưng so với cái tồn đọng từ lâu nay thì vẫn còn nhiều điều phải làm và làm quyết liệt hơn. Tuy nhiên như vậy vẫn còn quá ít. Cái chúng ta tìm ra chỉ là phần rất nhỏ so với những thứ đang chìm ở phía dưới mặt nước.
Ông Nguyễn Quốc Thước.
- Ông Trần Quốc Thuận: Đảng ta đã thể hiện nhiều quyết tâm trong thời gian qua để chống tham nhũng. Sau khi Nghị quyết T.Ư 4 ra đời cũng có nhiều biến chuyển, đặc biệt là nói đến việc chống tham nhũng phải từ trên chống xuống. Đó là một giải pháp rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta có dám thực hiện đến cùng không lại là chuyện khác.
Muốn thực hiện cuộc chiến này một cách rốt ráo, quyết liệt, cần đòi hỏi sự can đảm của chính những người trong lực lượng chống tham nhũng bởi đôi khi, thế lực tham nhũng lại chính là đồng chí, bạn bè của họ. Nếu không dám chống tham nhũng quyết liệt, tận cùng thì ở một khía cạnh nào đó, chúng ta cũng chính là người đồng lõa với tham nhũng.
Ông Trần Quốc Thuận.
Tổng Bí thư có nói đến việc xây dựng một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, cơ chế trừng trị răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế đảm bảo để không cần tham nhũng. Theo các ông, cơ chế đó cần như thế nào?
- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Về việc xây dựng cơ chế để không muốn, không dám, không cần tham nhũng thì tôi đồng ý. Trong 3 cái này, theo tôi, việc xây dựng cơ chế để anh không dám tham nhũng là quan trọng nhất. Muốn vậy, luật pháp phải mạnh mẽ hơn trong việc xử lý tội phạm tham nhũng để đủ sức răn đe.
"Tôi cho rằng thông điệp mà Tổng Bí thư đưa ra cần phải mạnh mẽ hơn nữa, thí dụ phải khẳng định ngay rằng: Tham nhũng ở đâu có thể có chứ ở chế độ cộng sản, với những người cộng sản thì không thể tồn tại, không được tồn tại. Có như vậy mới khích lệ mọi người hăng hái hơn, quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng!”.
Ông Trần Quốc Thuận
|
- Ông Trần Quốc Thuận: Cái đó thì ta nói hoài, hồi Nghị quyết T.Ư 3 khóa XI cũng đã nói rồi. Câu chuyện bây giờ, theo tôi là phải giáng cho bọn đầu sỏ tham nhũng những đòn đích đáng để tạo niềm tin cho nhân dân. Chứ còn cơ chế như vậy, theo tôi mình đã xây dựng luật cũng khá chặt chẽ, đầy đủ rồi.
Chỉ ví dụ thế này: Vừa qua chúng ta khẳng định có một bộ phận không nhỏ suy thoái biến chất trong Đảng thì giờ đã xử lý được chưa? Nếu chống không quyết liệt thì từ một bộ phận không nhỏ sẽ hóa thành lớn, lúc đó phức tạp lắm. Vậy nên, đỏi hỏi bức thiết lúc này là phải hành động, phải giáng những đòn đích đáng chứ không phải xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý nữa.
Có ý kiến tại hội nghị là “Tội phạm tham nhũng được che chắn bằng nhiều hình thức, bằng chức vụ, quyền hạn, bằng các mối quan hệ nên việc phát hiện, xử lý bằng phương pháp, công tác Đảng không thích hợp, kết quả rất hạn chế”. Các ông có đồng tình với nhận định này?- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi nghĩ vai trò của Đảng trong mọi cuộc chiến đều vô cùng quan trọng. Thắng lợi cũng do Đảng mà nếu thất bại cũng từ Đảng, nên Đảng phải tiên phong và kiên quyết hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng.
- Ông Trần Quốc Thuận: Tôi phải khẳng định lại, quy định, luật lệ đã có đầy đủ rồi, bây giờ là lúc hành động chứ không chỉ nói suông, hô hào khẩu hiệu nữa. Phải tìm ra mỗi địa phương những “con sâu bự” để xử lý như ngày xưa cải cách ruộng đất phải tìm ra địa chủ để xử lý. Nếu không, việc tồn vong của Đảng không chỉ là nguy cơ nữa mà sẽ sớm thành hiện thực.
-Xin cảm ơn hai ông!