Dân Việt

Đổi thay ở làng Chăm Vĩnh Hanh

Trọng Bình 08/05/2014 07:10 GMT+7
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhờ có tinh thần đoàn kết, cùng giúp đỡ nhau chí thú làm ăn, làng Chăm Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) đã có những đổi thay tiến bộ…
Quan tâm đến sự học

Nằm nép mình bên con rạch Vĩnh Hanh chảy len qua giữa cánh đồng lúa 3 vụ rộng lớn của huyện Châu Thành, làng Chăm ở xã Vĩnh Hanh với hơn 206 hộ dân (khoảng gần 1.000 nhân khẩu), khá trầm mặc so với những làng Chăm khác. “Tuy vậy, ít người cũng có cái hay riêng. Vì số lượng người ít nên cái gì hay, cái gì tiến bộ cũng nhanh chóng lan tỏa khắp cả làng. Nói chung là dễ tuyên truyền, vận động”, anh Sa Ri - Trưởng ban Thanh niên làng Chăm Vĩnh Hanh vui vẻ nói.

Đồng bào Chăm Vĩnh Hanh giúp nhau thu hoạch lúa đông xuân 2014.
Đồng bào Chăm Vĩnh Hanh giúp nhau thu hoạch lúa đông xuân 2014.

Dẫn chúng tôi đi “thị sát” những đổi thay ở làng Chăm Vĩnh Hanh, anh Nguyễn Văn Thông-cán bộ văn hóa xã Vĩnh Hanh đã giới thiệu về những con đường bê tông hóa, đã góp phần quan trọng trong việc xóa mù cho con em đồng bào Chăm nơi đây. Vì có đường bê tông, việc đi lại học hành của con em thuận lợi hơn rất nhiều. Còn theo anh Sa Ri, năm 2014 này, con em người Chăm ở đây 100% đều được đến trường. Nhờ đường sá thuận tiện, các em còn đi học chữ dân tộc (Chăm) ở thánh đường.

Mấy năm gần đây, làng Chăm rất lấy làm vinh hạnh khi ngày càng có nhiều con em tốt nghiệp cấp III. “Đặc biệt năm nay, làng Chăm chúng tôi rất mừng vì lần đầu tiên có được một em học sinh người Chăm đỗ vào Đại học Y khoa”- anh Sa Ri phấn khởi khoe. Bởi với làng Chăm Vĩnh Hanh đó là một sự tiến bộ vượt bậc, sự thay đổi về tư duy, tập quán: Thay vì (trước đây) cứ lo buôn bán rày đây mai đó, bỏ con em học hành dở dang; thì nay họ đã biết lo tìm sinh kế an cư để cho con em học hành tới nơi tới chốn.

Phát huy truyền thống, chí thú làm ăn

Ghé thăm gia đình anh Mách Sen và chị Sa Y Náh, chúng tôi được chứng kiến một mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) đầu tiên của làng Chăm Vĩnh Hanh với hình thức trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Chị Y Náh cho biết: Hai vợ chồng vừa quyết định nghỉ buôn bán, dồn hết vốn liếng mua 4 công (4.000m2) đất ruộng để an cư cho con cái yên ổn học hành. “Thấy làm lúa không hiệu quả nên vợ chồng tôi đã đào ao, lập vườn, dưới ao thả nuôi cá rô phi, tai tượng, trên bờ lên líp trồng xoài keo và tính ra mỗi tháng cũng có 3-4 triệu đồng” – chị Y Náh hạch toán.

"Hiện làng Chăm Vĩnh Hanh chỉ còn 14 hộ nghèo, với tỷ lệ chưa tới 1,4%, thấp hơn rất nhiều so tỷ lệ hộ nghèo chung của xã và cả tỉnh. Có được điều này, một phần quan trọng là nhờ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau, chí thú làm ăn của bà con”.
Ông Nguyễn Thanh Tú

Ông Nguyễn Thanh Tú - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hanh cho biết: Đồng bào Chăm An Giang nói chung và ở làng Chăm Vĩnh Hanh, rất chí thú làm ăn, nhất là từ khi được các chương trình cho vay, hỗ trợ vốn thì họ càng phấn chấn, ai ai cũng lo toan sinh kế một cách có căn cơ. Điển hình hộ anh Ta Lóh, từ nguồn vốn 8 triệu đồng của Chuơng trình cho vay hỗ trợ chăn nuôi đã mua 2 con bò thịt. Nhờ chí thú chăn nuôi, sau 3 năm, anh đã phát triển đàn bò 6 con, trị giá hơn 150 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng chỉ bỏ công cắt cỏ, gia đình anh đã có thu nhập hơn 4 triệu đồng.

Từ chỗ chỉ có vài ba hộ nuôi, sau tăng lên hơn chục hộ, hiện nay trong làng Chăm Vĩnh Hanh đã có 35 hộ tham gia chăn nuôi bò và hàng chục hộ thực hiện các mô hình chăn nuôi khác. Đặc biệt nhiều hộ trồng lúa đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng trọt kết hợp chăn nuôi. “Riêng từ đầu năm 2014 đến nay đã có thêm 14 hộ chăn nuôi bò, chủ yếu là từ nguồn vốn tự thân và các anh em họ hàng cho mượn. Người nuôi trước chỉ bảo cho người sau rất tận tình nên ai nuôi cũng chắc tay, có lời” – anh Sa Ri cho hay.