Sáng mới bước ra khỏi giường đã nhận được tin người bạn ở Hà Nội nhắn vào máy: “Trên mạng đang rao bán vòng đeo tay trị sởi, em có nên mua cho đứa con 12 tháng của em đeo không?” Chưa biết thực hư ra sao, nhưng tôi phải thầm khen người bán hàng biết tận dụng thời cơ làm ăn!
Thời của những đồn đạiDưới góc độ kinh doanh, cách tiếp cận nhanh nhạy như thế thật đáng khen. Nhưng dưới góc độ truyền thông sức khoẻ nó lại đáng lo nếu thông tin này thuộc loại “tào lao” và được truyền đi trên mạng xã hội, nơi mọi chuyện được phát tán với tốc độ chóng mặt! Cũng may bộ Y tế vào cuộc, bác bỏ giá trị của “vòng đeo tay trị sởi”, khẳng định vòng này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vòng chống sởi quảng cáo trên mạng được bộ Y tế khuyến cáo là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: TL
Nhưng ăn theo dịch sởi năm nay đâu chỉ có “vòng đeo tay”, trước đó còn có tin đồn “hạt mùi trị sởi” hay “chữa sởi bằng thuốc… trị nấm” của “hai giáo sư người Việt ở Hoa Kỳ” nào đó! Nghe thông tin “thuốc nấm trị sởi”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, đã bình luận trên Facebook: “Dân tình đang nhốn nháo vì dịch bệnh, ở đâu lại xuất hiện thêm đám ba trợn này nữa!”
Đúng là “ba trợn”, vì theo bác sĩ Khanh, thuốc Nystatine trị nấm chỉ dùng để chữa nấm trong miệng như tưa lưỡi, viêm họng chứ không thể chữa sởi!
Thật ra cũng không xa lạ với những tin đồn ăn theo dịch bệnh kiểu này. Năm 2011, trong khi cả nước xấc bấc xang bang vì dịch tay chân miệng thì xuất hiện tin đồn bệnh này có thể chữa khỏi bằng cách… uống nước ozone. Phương pháp do một tiến sĩ (không phải y học) đề xuất khiến không ít người tin sái cổ. Thậm chí có tờ báo còn cổ động độc giả áp dụng và lãnh đạo một tỉnh miền Trung trải thảm đỏ rước “tiến sĩ ozone” về chữa bệnh cho dân. Nhưng rốt cục bộ Y tế lên tiếng: không được cho bệnh nhân uống nước ozone vì chẳng có tác dụng gì!
Đâu chỉ nước ta, tin đồn về dịch bệnh cũng sống khoẻ ở nước ngoài. Mới nhất là tin đồn liên quan đến chứng viêm đường hô hấp cấp do Mers-CoV ở vùng Trung Đông (Middle East Respiratory Syndrome Coronavirus), căn bệnh còn được gọi là “viêm đường hô hấp do virút SARS mới” (dịch SARS – hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng – bùng phát vào năm 2003 toàn thế giới khiến gần 800 người thiệt mạng).
Giữa tháng qua, giới chức y tế của UAE đã bác bỏ tin đồn trên mạng về khả năng ai cũng có thể nhiễm Mers-CoV. Theo một quan chức y tế, đa số ca bệnh ở UAE là trên người có miễn dịch thấp như người già hay có sẵn bệnh mạn tính, vì thế người dân đừng quá hoang mang.
Tin đồn cũng có giá trị!
Nhưng tin đồn về dịch bệnh đôi khi cũng giá trị. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Emerging Infectious Diseases năm 2005 cho thấy trong 40 tin đồn lan truyền trên mạng về dịch cúm gia cầm có chín tin chính xác. Chẳng hạn nhờ tin đồn ban đầu về gia cầm chết ở Trung Quốc, sau này được xác nhận do cúm gia cầm, mà 40 quốc gia đã nhanh chóng hành động bằng cách cấm nhập khẩu gia cầm từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ lâu cũng nhận thấy sự lợi hại của tin đồn dịch bệnh trên internet. Bởi thế, năm 1997, WHO đã thiết lập một mạng lưới quan sát tin đồn rất tinh vi có tên “Mạng tình báo y tế công cộng toàn cầu” (Global Public Health Intelligence Network) đặt tại Canada, có nhiệm vụ chắt lọc tất cả những thông tin trên mạng bằng những từ khoá kiểu như “bùng phát”, “dịch bệnh” bằng sáu ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Anh đến tiếng Arập.
Cách làm này đã phát huy tác dụng: trong hàng chục ngàn tin đồn từ tháng 1.2011 – 10.2004, hệ thống đã phát hiện được khoảng 1.300 tin đồn về bùng phát dịch bệnh có tầm quan trọng toàn cầu, trong đó 850 tin đồn chính xác!
Năm qua, một số nhà khoa học đã đề nghị một cách phát hiện tin đồn liên quan đến chích ngừa. Bằng cách sử dụng hệ thống phân tích dữ liệu có tên HealthMap, TS Heidi J Larson, cố vấn cấp cao Liên minh toàn cầu về vắcxin và chích ngừa UNICEF, và cộng sự đã phân tích 10.380 tin đồn về vắcxin được cập nhật từng phút từ 144 quốc gia. Phân tích cho thấy trong số này có 69% tin đồn tích cực, 31% tin đồn tiêu cực, từ đó giúp nhà quản lý y tế hành động nhanh hơn, hiệu quả hơn để khôi phục lại niềm tin của người dân đối với vắcxin, ngăn không cho xảy ra bùng phát dịch bệnh do chuyện người dân tẩy chay chích ngừa.
Có lẽ đến lúc nước ta phải làm chuyện “sàng lọc tin đồn” vì gần như năm nào cũng có dịch bệnh, chưa kể chuyện người dân bỏ chích ngừa vì lo sợ tác dụng phụ của vắcxin. Tin đồn kiểu “vòng đeo tay ngừa sởi” lan đi trên mạng quả thật… tào lao. Nhưng cũng có tin đồn thật sự giá trị. Thật vậy, nhờ đọc được tin đồn trên mạng về dịch sởi nghiêm trọng ở Hà Nội, giữa tháng qua phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát các bệnh viện nhi ở đây. Sau khi phát hiện mọi chuyện đúng như tin đồn, ông chỉ đạo bộ Y tế phải chấn chỉnh công tác phòng chống sởi, nhờ đó mọi chuyện mới dần dà được cứu vãn.
Thời của tin đồn dịch bệnh, đâu phải người dân nào cũng đủ hiểu biết phân biệt tin đồn nào đúng, sai. Ai làm chuyện này để giúp dân nếu không phải là người có trách nhiệm của ngành y tế?