Những ngày này có vô số bạn học sinh trường khác vì tò mò mà kéo đến tận trường với mục đích nhìn mặt H khiến nhà trường phải thắt chặt công tác bảo vệ. Bạn bè và thầy cô rất lo lắng cho H. Những cô giáo mà H tin tưởng luôn phải ở bên cạnh H động viên H vượt qua khó khăn này để tiếp tục công việc học tập.
Ngày thi đang đến gần, sẽ ra sao nếu tâm trí H bị rối loạn và ảnh hưởng nặng nề bởi dư luận quá hà khắc với bài viết của H?
Nghiêm trọng hơn khi hôm 5.4, H thực sự bị sốc và hoảng loạn. H hỏi cô giáo rằng: “Mọi chuyện rồi sẽ đi đến đâu hả cô?”.
Sẽ đi đến đâu khi có rất nhiều luồng dư luận khắt khe cho rằng bài viết của H quá trần tục và không phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục? Sẽ đi đến đâu khi hàng ngày hàng ngày có rất nhiều thông tin không tốt, không hay được thêu dệt xung quanh câu chuyện vốn dĩ đã không may mắn của H? Sẽ đi đến đâu khi mọi người tranh nhau mổ xẻ bới móc gia cảnh, bới móc về mức độ sự thật của bài văn lạc đề ấy?
H đã viết nên câu chuyện ấy, sự thật của câu chuyện chưa biết được bao nhiêu phần trăm. Trong bài viết có bao nhiêu chi tiết là con người thực của H nhưng câu chuyện ấy không xấu đến mức mọi người bắt H ra chịu trách nhiệm. Một câu chuyện về gia đình, về niềm khát khao một bờ vai nương tựa H gửi nỗi buồn, gửi hoài mong của mình vào trang viết. Điều ấy đáng trân trọng lắng nghe chia sẻ hơn là đi photo rồi truyền tay nhau đọc và lên án.
Hiện tại, tâm trạng của H rất không ổn định. H không thể đi học. Gia đình và nhà trường cũng muốn H có chút tĩnh tâm lại. H vốn là một học sinh khá giỏi và ngoan ngoãn. Chưa hề vi phạm bất cứ nội quy trong trường cũng chưa bao giờ để thầy cô phàn nàn về kết quả học tập.
Trao đổi với phóng viên, đại diện trường THPT Ngô Quyền, chia sẻ, L.T.H là một cô bé theo ban A nhưng khả năng văn chương của em bộc lộ từ rất sớm. Những bài viết của em luôn mang hơi hướng gia đình. Có lẽ vì thiếu tình thương nên em muốn chia sẻ tâm sự của mình vào những trang văn. Như thể văn chương là cuốn nhật ký cho em giãi bày, chia sẻ.
Trong đợt thi thử vừa rồi, vì đăng ký nhầm môn nên em phải vào thi môn Văn. Tâm lý của trẻ con là vậy ấy, không đủ bình tĩnh và chín chắn như một người đã trưởng thành. Trong suy nghĩ còn chưa vững vàng của em thì bài văn “ngồi thi nhầm” đơn giản lắm, đơn giản như khi em ngồi trong căn phòng tĩnh lặng của mình để sáng tác một truyện ngắn thật hay. Và như thói quen cầm bút, em lại viết về gia đình, về mong muốn cháy bỏng của mình.
Có một số người cho rằng: “Bài văn đặc tả tình cảm thầy trò quá mức cho phép, thậm chí trái với đạo đức thầy, trò... gây hiếu kỳ cho nhiều người”. Nhưng có lẽ đó là cái nhìn quá cứng nhắc và một chiều. Cả bài văn của H dành hầu hết nói về tâm trạng của H, nói về tuổi thơ sóng gió nhiều nước mắt của H và mẹ. Tuổi thơ ấy khiến bất kì ai cũng cảm thấy nhói lòng.
Vậy tại sao không cảm thấy thương cho H, không cảm thấy đó quả thực là một bức tranh buồn với nhiều màu xám để giúp H tô nó thêm chút hồng? Tại sao không cho H một chút bình yên lắng dịu trong cuộc sống này mà cứ phải trách cứ và lên án? Đó là một bài văn lạ? Có phải lạ vì nó lạc đề, lạ vì nó được viết ra từ một cô gái 18 tuổi nhưng ngòi bút sắc sảo và hơn thế đó là một tài năng văn chương thực thụ mà không phải ai cũng có.