Dân Việt

Điểm 10 tặng cho mẹ chồng tôi

24/04/2011 10:05 GMT+7
Dân Việt - Nghe những câu chuyện, những tiếng thở dài, lời ca cẩm của mấy cô bạn cùng phòng về mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu vào mỗi buổi trưa, tôi tự nhủ mình thật là may mắn và hạnh phúc.
img
 

Đã hơn ba năm từ ngày tôi lấy chồng, ai cũng khen tôi tốt số, không phải vì lấy được người biết kiếm thật nhiều tiền mà tôi đã gặp được bố mẹ chồng quá tuyệt vời, như người bố người mẹ thứ hai sinh ra tôi vậy.

Mà chính bản thân tôi cũng tự công nhận, mình ngày càng đẹp ra, so với thời con gái, da dẻ vóc dáng tôi xinh hơn trước rất nhiều, lại còn trẻ hơn hồi mới cưới. Ngày ngày, sáng 8 giờ xách xe đi làm, chiều 5h30 về có sẵn mâm cơm ngon lành, không phải bận tâm chuyện chợ búa, con cái, không đau đầu suy nghĩ hay khóc lóc vì sự khó tính của mẹ chồng như bạn bè tôi gặp phải.

Tôi tự hào tổng kết về người mẹ chồng của mình qua 8 chữ: Thương con thương cháu, siêng năng và tiết kiệm.

Đầu tiên về khoản nấu ăn, phải cho mẹ chồng tôi điểm 10+ ấy chứ, các món ăn thường ngày thì khỏi nói, chắc có học và đọc sách đến mấy tôi cũng chẳng thể theo được bà. Còn vào những ngày giỗ, tụ tập (một năm nhà tôi có khoảng 8 cái giỗ), một tay bà lo tất gần 10 mâm cỗ đâu vào đấy khiến tôi mắt tròn mắt dẹt. Những lúc như đó, tôi chỉ là chân sai vặt, bóc hành bóc tỏi, nhặt rau… Bởi vậy về khoản ăn uống, cả hai vợ chồng và cả cậu con trai hai tuổi của tôi nữa, luôn thích ăn ở nhà vào mỗi buổi sáng và háo hức chờ đợi những bữa cơm chiều.

Diễn đàn "Mẹ chồng, nàng dâu và những câu chuyện bất tận" trên báo điện tử Dân Việt sẽ là nơi để bạn đọc tâm sự, cùng chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm, những kinh nghiệm của cả "mẹ chồng" và "nàng dâu" qua chính những bài viết của mình.
Các bài viết tham dự Diễn đàn xin được gửi về báo điện tử Dân Việt (www.danviet.vn) qua Email: baodanviet@gmail.com. Bài viết được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định.

Ở nhà chồng, tuy bà không bắt buộc hay yêu cầu là sáng phải ăn ở nhà, chiều tối không được đi ăn hàng, nhưng đã thành thói quen và sở thích từ mấy năm nay, chúng tôi đều ăn sáng ở nhà do chính bà làm. Mà bà cũng chịu khó đổi món lắm nhé, khi thì cháo, bún mọc, bún cá, khi lại phở bò, khi thì bánh mì sốt vang… Nhiều lúc tôi cũng thương bà lắm khi sáng nào bà cũng dậy sớm, nhưng với bà niềm hạnh phúc là tự tay nấu nướng lo cho chồng, cho con cho cháu. Vì vậy, họa hoằn lắm vợ chồng tôi mới phải ăn ở ngoài.

Về độ đảm đang, sạch sẽ thì khỏi nói. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến chơi nhà, bà đã khiến tôi “hãi” đến mức nào. Hôm đó cũng là lần đầu tiên chính thức ra mắt, tôi xung phong quét nhà, dù đã rất cẩn thận rê chổi thật mạnh để quét cho không còn hạt bụi nào nhằm gây ấn tượng nhưng chỉ sau đó tôi đã thấy bà cầm chổi quét lại từ nhà trên cho đến nhà dưới. Bà bảo “Đi mà vẫn còn nhám chân, còn một hạt bụi bà không chịu được”.

Tiếp đến, tôi xung phong xào rau, đây cũng là món sở trường nên đứng ở bếp tôi tự tin lắm. Nhưng bà đã làm tôi giật mình và lo sợ khi cứ đứng kè kè bên cạnh, tay cầm giẻ lau được gấp gọn gàng, đưa đi đưa lại bức tường xung quanh bếp, rồi cả trên bếp nấu. Bà bảo “Làm đàn bà, phải để ý đến bếp núc, làm đến đâu lau đến đấy, không thì dầu mỡ bắn tung tóe, dính trên tường nhanh bẩn và hỏng tường lắm”.

Nói đến chuyện bẩn – sạch, tôi lại khâm phục thêm mẹ chồng mình khoản siêng năng. Ngày nào cũng như ngày nào, ngôi nhà hai tầng gần 100m2 bà lau đều đặn, nắng cũng như mưa. Cứ sáng sau khi tôi dắt xe ra khỏi nhà là đã thấy bà cầm cây lau nhà làm vài đường cơ bản. Đã không ít lần tôi bảo “Tối qua mẹ đã lau rồi, hay để chiều về con giúp mẹ” nhưng bà vội nói “Dắt xe ra nhà cửa lắm cát, nếu không quét và lau ngay sẽ bẩn cả nhà”. Đến nỗi hàng xóm hay bạn bè của chúng tôi mỗi lần đến nhà đều cười và bảo “Sao gạch nhà mày láng bóng thế, chắc tao soi gương được mất”.

Tất cả những điều này giờ tôi đã quen và không còn sợ hãi như thuở ban đầu. Đôi khi tôi nghĩ, chính cách sống và thói quen phải ngăn nắp, sạch sẽ của bà giúp tôi bỏ dần sự đuểnh đoảng, bừa bộn.

Đâu chỉ vậy, bà còn là người biết lo lắng cho con, thương cháu hết mực. Sống chung dưới mái nhà hơn ba năm, tôi chưa bao giờ phải nghe những lời cằn nhằn, những cái nhăn nhó khó chịu, có gì không hài lòng hay muốn dạy bảo điều gì bà đều kéo tôi lại gần thủ thỉ, dặn dò, thậm chí khi làm việc sai trái bà còn bênh tôi hơn cả con trai.

Ngày tôi mới sinh con và những tháng gần đến ngày nằm ổ, bà không để tôi động tay động chân vào bất cứ việc gì, quan tâm từng bộ quần áo bà là lượt sẵn treo vào tủ, nhắc nhở chồng tôi dắt xe sẵn vào mỗi sáng, chuẩn bị luôn cả nước nóng để chiều tôi về tắm sớm… Vào thời điểm đó, khi đem ý định thuê một người giúp việc để đỡ đần bà việc nhà, tôi lập tức bị bà “mắng yêu” cho một trận. Vậy mà giờ con trai tôi đã hai tuổi, kháu khỉnh và lớn nhanh như thổi. Nó yêu và quý bà nội vô cùng, vì được ở nhà và được bà chăm bẵm cả ngày.

Tôi đang tự hỏi không biết sau này khi cũng trở thành mẹ chồng, tôi sẽ như thế nào nhỉ, có được như mẹ chồng tôi bây giờ không. Chẳng biết tương lai thế nào, nhưng với những gì đang có và nhận được mỗi ngày, tôi biết ơn mẹ chồng mình lắm. Nhờ có bà mà tôi đã có một người chồng thương vợ thương con hết mực. Mẹ ơi, hôm nay đi làm về con sẽ mua một bó cẩm chướng thật to tặng mẹ, đã lâu rồi con quên mất điều này, dù con biết rằng mẹ sẽ lại mắng “Không biết tiết kiệm, toàn tiêu hoang”.