Kết thúc hành trình dài gần nửa vòng Trái đất ở cảng Cái Lân, cả chủ và khách đều cảm thấy như trút được gánh nặng...
Không còn sự lựa chọn nào khác, hơn 1.000 lao động Việt Nam đã phải bỏ lại tất cả, đồ đạc, quần áo, hộ chiếu để lên con tàu LesSon nhằm tránh tên bay đạn lạc ở Libya. Hầu hết số lao động trên đều là những người lần đầu tiên được đi tàu biển vượt đại dương.
Lao động Việt Nam trên con tàu LesSon. |
Trận say sóng trường kỳ
Anh Lê Văn Trí, 22 tuổi, quê ở Nghệ An vẫn còn chưa đứng vững khi đặt chân xuống cảng Cái Lân vì hội chứng say đất. Phải ngồi bệt xuống đất, rồi uống mấy ngụm nước, Trí mới tỉnh táo kể cho chúng tôi nghe hành trình vượt biển gian khổ.
Trí kể: Bọn tôi sang Libya chỉ biết đi làm việc theo sự chỉ đạo của chủ lao động, hầu như mù tịt về thông tin xã hội bên ngoài. Chỉ tới khi thấy bảo vệ nổ súng ngăn chặn người biểu tình vào cướp trại, lúc đó chúng tôi mới loáng thoáng biết có nội chiến ở đất nước này”.
Mặc dù vậy, những lao động như Trí vẫn đi làm bình thường. Hôm ấy, Trí đang sửa chiếc máy xúc bị hỏng, thì bị một nhóm người nổi loạn cầm hung khí đuổi theo đánh.
“Tôi và một vài đồng nghiệp người Brazil phải bỏ chạy thục mạng. Mặt mày họ ai cũng dữ tợn, đằng đằng sát khí. May có xe của công ty chạy qua đưa chúng tôi về trại, nếu không bây giờ có lẽ xác đang ở Libya. Sau đó, những người điều phối chỉ đạo chúng tôi lên tàu về nước mặc dù còn 2 tháng lương chưa được nhận”- Trí kể.
Thời điểm Trí đến cảng LesSon để lên tàu về quê, đã có hàng nghìn người ở đó, tình cảnh như một cuộc chạy loạn. Ai cũng cố lên tàu và tìm cho mình được một chỗ, mặc dù nhà tàu và các điều phối viên đã ra sức chỉ đạo. “Lúc đầu cũng xảy ra chen lấn, giẫm đạp nhưng rất may cuối cùng mỗi người cũng đã có một chỗ nằm, với chăn màn khá tử tế”- Trí kể.
Tàu mới rời cảng được khoảng 30 phút, Trí cùng những người bạn đồng hành bắt đầu thấy choáng váng vì say sóng. Bao nhiêu thức ăn trong bụng nôn ra hết, ai cũng nằm bẹp tại chỗ, không ăn được cái gì trong 4 ngày liền, chỉ thỉnh thoảng uống được miếng nước.
Lúc đó, mọi người chỉ biết nhắm mắt phó thác số phận. Tới ngày thứ 5, Trí bắt đầu tỉnh táo, ăn được chút ít và tự tắm gội cho bản thân. “Lúc này, tôi mới đủ tỉnh táo nhận thấy có đến 2/3 anh em rơi vào tình trạng say sóng chứ chẳng phải mình tôi”.
Thèm cơm tập thể
Anh Đặng Văn Khánh, sinh năm 1990, quê ở Nghệ An, sau khi “alô” về tình hình của mình cho gia đình khỏi lo, đã chia sẻ: "Bây giờ tôi thèm một bữa cơm canh cà muối thôi chứ chẳng thiết gì nữa. Suốt một tháng qua, chúng tôi đã ớn cảnh ăn uống ở trên tàu rồi. Tất cả đều đang tuổi ăn tuổi làm mà mỗi bữa chỉ được nửa bát cơm với một ít mì xào và bánh mì.
Miếng ăn vào mồm đã khổ, nhưng để có một bữa ăn thì không hề đơn giản. Hôm nào cũng vậy, cứ đến giờ ăn là 1.000 người xếp hàng rồng rắn, suốt 2 tiếng đồng hồ mới nhận được khẩu phần ăn ít ỏi, nhiều người sức khoẻ yếu, suy kiệt không còn đủ sức đứng đợi phải nhờ bạn bè lấy giúp.
Anh Khánh kể, cũng may mà trên tàu toàn người Việt, nên anh em bảo được nhau, không xảy ra tình trạng tranh giành đồ ăn, thức uống của nhau. Thế nhưng, tâm lý của anh em lại kém vô cùng.
“Thời điểm 7 ngày tàu neo lại ở Singapore để sửa máy, nhiều người rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn. Người trầm cảm cả ngày, người hoảng loạn phá phách, còn thanh niên bọn em chẳng còn cách nào khác, đành bật nhạc hết công suất rồi tổ chức... nhảy. Chỉ tội mấy bác bị ốm mà không được chăm sóc y tế nên lại càng mệt hơn. Có anh bị ốm do mổ tiết niệu gì đó, cứ nằm một chỗ. Anh em đến hỏi thăm, cứ ứa nước mắt, chỉ ước giờ có một bữa cơm tử tế chắc là sẽ khoẻ hơn.
Sau những ngày đánh vật với sóng gió trên đại dương với hàng vạn hải lý, cuối cùng những lao động của Việt Nam đã về nước an toàn và họ đã nhận được sự đón tiếp bất ngờ.
------------
Kỳ 2: Những ước nguyện dang dở
Gia Tưởng