Nhưng nhờ tuyên truyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ nên đến nay, cả nước đang chuyển động cùng đóng góp cho NTM”.
Đó là đánh giá của ông Tăng Minh Lộc – Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, khi trả lời phỏng vấn của Báo NTNN.
Ông Tăng Minh Lộc (ảnh) – Chánh văn phòng Điều phối Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM
Có thể khẳng định, trong 3 năm qua kể từ khi có Chương trình xây dựng
NTM, bộ mặt nông thôn nước ta đã có sự thay đổi đáng kể, để lại nhiều
dấu ấn. Với cá nhân ông, những dấu ấn lớn đó là gì?- Trong 3 năm qua, chúng ta đã làm được mấy việc lớn, mà việc đầu tiên phải kể đến, đó là Chương trình xây dựng NTM đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, cán bộ cũng như toàn xã hội về xây dựng NTM, đặc biệt là đội ngũ cán bộ địa phương. Ai cũng hiểu NTM đầu tiên là phải có quy hoạch, đề án, làm gì cũng phải tính toán căn cơ chứ không thể tùy tiện, nay làm mai phá như trước.
Một điểm nổi bật khác phải kể đến là dân chủ ở nông thôn đã được nâng lên một bước, vì cơ chế của chương trình là người nông dân làm chủ thể, mục tiêu hướng tới những lợi ích của dân. Người dân được tham gia bàn bạc, lựa chọn và quyết định những công trình ở làng, bản, xã mình nên ai cũng hồ hởi.
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên sau 3 năm xây dựng NTM. Ảnh: Người dân đọc sách báo tại Bưu điện văn hóa xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Cũng có một số nơi làm “dân chủ hình thức”, nhưng đó chỉ là số ít. Nhìn chung cán bộ đều có bàn bạc với dân chứ không tự quyết như trước. Đáng chú ý là nhờ mọi việc đều có sự giám sát của dân nên mang lại lợi ích rất lớn. Chúng tôi đã điều tra một số nơi và nhận thấy, các công trình hạ tầng nông thôn do người dân tự thực hiện và giám sát thì thường tiết kiệm khoảng 30% chi phí so với dự toán, chất lượng công trình (xét về độ bền) cũng tốt hơn.
Một dấu ấn nữa không thể không kể đến, đó là hạ tầng nông thôn đã được cải thiện rất mạnh mẽ. Nhiều nơi coi đây là khâu đột phá để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, tăng hưởng thụ trực tiếp của người dân. Đừng nghĩ các địa phương thích làm hạ tầng nhiều để “cấu véo”, dân chủ như vậy thì “cấu véo” ở đâu? - Trước đây, khi triển khai xây dựng NTM, một số doanh nghiệp cũng muốn tham gia làm các công trình, nhưng chúng tôi cho rằng, chương trình NTM phải do dân làm chủ, dân tự quyết định, và công trình trị giá 3 tỷ trở xuống thì không cần phải làm dự án, chỉ cần làm báo cáo kỹ thuật, do chủ tịch UBND xã duyệt là triển khai được.
Qua 3 năm triển khai xây dựng NTM cũng bộc lộ một số hạn chế, chẳng hạn như có sự phát triển không đều giữa các vùng?- Đúng là như vậy, do mới triển khai được thời gian ngắn nên chương trình cũng đang bộc lộ một số hạn chế. Đầu tiên, đó là sự phát triển không đều, ở những vùng có tính đặc thù như miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ. Nhìn chung, ở các vùng này tỷ lệ các xã đạt chuẩn rất thấp, nhưng sự không đều này không hẳn do khách quan, mà còn do chủ quan.
Ngược lại, cũng có một số nơi điều kiện rất tốt, nhưng cán bộ không năng nổ, người đứng đầu còn đứng ngoài, không lăn lộn vào cuộc dẫn đến việc xây dựng NTM tại địa phương đó còn trì trệ. Ví dụ như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh là những nơi có điểm xuất phát cao, nhưng cho đến nay chưa có xã đạt chuẩn NTM, trong khi các tỉnh Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Kon Tum khó khăn như thế mà vẫn có nhiều xã NTM.
Mục tiêu của chúng ta khi xây dựng NTM là phải vừa phát triển, vừa giữ gìn bản sắc làng quê Việt Nam. Song thời gian qua, “khâu” văn hóa - thể thao vẫn còn chưa được chú ý đầy đủ?- Lĩnh vực văn hóa, môi trường ở nông thôn đúng là thời gian qua chưa được chú trọng thực sự, trong đó các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, trộm cắp vẫn chậm được đẩy lùi; môi trường nông thôn nhiều nơi có xu hướng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhưng tôi tin rằng, tới đây chắc chắn các địa phương sẽ chú trọng hơn tới vấn đề này.
"Vừa qua, Chính phủ có quyết định bổ sung vốn, theo đó các địa phương cũng ưu tiên hơn cho những xã gần đạt chuẩn để những xã đó về đích. Vì vậy, năm nay chắc chắn chúng ta sẽ có 500 xã đạt chuẩn”. Ông Tăng Minh Lộc
|
Ngoài hạn chế trong các tiêu chí trên, khâu phát triển sản xuất cũng còn hạn chế. Dù chúng ta có nhiều mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa nhưng chưa phát triển bền vững và khó nhân rộng.
Quan hệ sản xuất ở nông thôn chưa có cơ chế chính sách và nguồn lực để phát triển. Nguồn lực cho xây dựng NTM không giảm, nhưng so với yêu cầu thực tiễn thì còn quá ít nên tốc độ đạt so với mục tiêu đến 2015 quá thấp. Theo rà soát, đến nay cả nước có khoảng 200 xã đạt chuẩn, chưa được 3%.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về việc xét xã đạt chuẩn NTM, vậy quy định này đã được triển khai đến các địa phương như thế nào, thưa ông?- Trước khi có quyết định của Thủ tướng thì Văn phòng Điều phối đã hướng dẫn các tỉnh xây dựng quy trình công nhận tạm thời. Gọi là tạm thời, nhưng cũng gần đạt so với quy định vừa ban hành, và quy trình đó đều có sự trao đổi thống nhất giữa Văn phòng Điều phối với các địa phương nên không có sai lệch lớn và các xã vẫn được bình xét theo đúng bộ tiêu chí NTM.
Tuy vậy, cũng có một số nơi do chạy theo thành tích nên trong quá trình xét công nhận xã đạt chuẩn NTM có châm chước. Thực chất là các xã đó có thể mới đạt 18 tiêu chí, hoặc có một số tiêu chí gần đạt nhưng họ đã “vội” công nhận đó là xã NTM. Chúng tôi đã đi kiểm tra, thấy có nơi đề xuất công nhận 8 xã đạt chuẩn, nhưng áp theo đúng bộ tiêu chí thì chỉ có 2 xã đạt mà thôi. Chúng tôi đã đề xuất các địa phương không nên vội vàng. Công nhận khi vội vàng là xem nhẹ lợi ích của dân.
Xin cảm ơn ông!