Bộ Y tế "kiểm tra rà soát tình hình nhập khẩu và sử dụng sữa Trung Quốc". Bộ Xây dựng "kiểm tra kháng chấn các công trình xây dựng". Bộ Tài chính "kiểm tra giá và thuế 7 mặt hàng thiết yếu". Bộ Công Thương thì “kiểm tra xác minh các nguồn tin thất thiệt việc tăng giá xăng”. Cục Hàng không thì “kiểm tra các máy bay”. Bảo hiểm xã hội thì “kiểm tra việc lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế”...
Trung ương, bộ ngành kiểm tra, các tỉnh cũng kiểm tra. TP.HCM “kiểm tra các mặt hàng bình ổn”. Quảng Bình thì kiểm tra các mỏ titan. Tích cực nhất là Hà Nội. Nào là “kiểm tra việc quản lý dược phẩm và mỹ phẩm”; “kiểm tra nhà ở cho người thu nhập thấp được rao bán”, kiểm tra Hồ Gươm xem còn cụ rùa nào nữa, rồi “tiếp tục kiểm tra xử lý việc xe tải đi vào đường cấm, giờ cấm”.
Nhiều cuộc kiểm tra, chính xác chỉ là để kiểm tra, vì kết quả - cái mà người dân quan tâm lại không có. Chẳng hạn việc kiểm tra tin đồn về giá xăng, tin đồn về tỷ giá, về chứng khoán… năm nào cũng được tuyên bố là sẽ kiểm tra nhưng hầu như năm nào cũng lại xuất hiện tin đồn. Ưa thích kiểm tra nhất, có lẽ là liên Bộ Tài chính- Công Thương. Hai bộ này tháng nào cũng phải kiểm tra một cái gì đó.
Cái ưa thích kiểm tra nhất có lẽ là giá. Kết quả: Việc kiểm tra giá sữa trong năm 2010 là có loại sữa tăng giá tới 19,79%. Kết quả của việc kiểm tra giá thuốc là thuốc tăng không phanh.
Kết quả của việc kiểm tra hàng hoá là ngay cả hàng bình ổn, nhận trợ cấp lãi suất bằng 0% của nhà nước, hoặc mất tích trong các siêu thị treo biển “bình ổn”, hoặc vẫn bán với giá còn đắt hơn ngoài chợ cóc. Còn ngoài chợ cóc thì giá theo tin đồn, tăng kiểu “té nước theo xăng” một cách phi mã, tăng lối đi tắt đón đầu.
Việc thiếu một chế tài xử phạt được nói đến quá nhiều, dù mỗi khoá, Quốc hội thông qua trung bình 50-60 luật các loại. Quá nhiều kiểm tra đã, đang và sẽ còn diễn ra. Nhưng các cuộc kiểm tra này hầu hết đều diễn ra theo lối chữa cháy, tức là khi sự việc, hoặc thảm hoạ đã xảy ra.
Báo NTNN đã chạy tới 3 kỳ loạt phóng sự điều tra về những mỏ đá tử thần. Ở đó, xác phu đá này vừa được khiêng đi thì đã có phu đá khác đến thế chỗ. Ở đó, những vụ sập núi như Lèn Cờ phải đếm cả ngón chân mới hết. Không biết sẽ còn bao nhiêu thảm hoạ Lèn Cờ nữa. Cũng không biết còn bao nhiêu cuộc kiểm tra nữa sẽ diễn ra sau những thảm hoạ, Lèn Kỳ chẳng hạn.
Gần nửa thế kỷ trước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có một câu nói nổi tiếng: “Lãnh đạo mà không kiểm tra, coi như không lãnh đạo”. Quá đúng! Nhưng kiểm tra mà không xử lý hiệu quả thì cũng coi như... không kiểm tra.
Anh Đào