Ngày mai (20.5), TAND TP.Hà Nội xét xử lại vụ án liên quan bị can
Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) cùng các đồng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng về quản lý kinh tế”. Hiện tại, câu hỏi ông
Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB là một trong những bị can trong vụ án có tham dự phiên xử hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
Trước đó, phiên xét xử diễn ra vào ngày 16.4 đã phải hoãn lại vì bị can
Trần Xuân Giá có đơn xin hoãn xét xử do đang phải điều trị trong bệnh viện.
Chưa chắc bị can Trần Xuân Giá tham gia phiên tòa
"Trước khi phiên xử bắt đầu một ngày (tức ngày hôm nay, 19.5), luật sư
sẽ đại diện cho thân chủ có thông báo chính thức về tình hình sức khỏe
của ông Trần Xuân Giá cũng như khả năng bị can này có tham dự phiên tòa
ngày 20.5 hay không”.
(Luật sư Lưu Tiến Dũng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Xuân Giá)
|
Trao đổi với PV chiều qua (18.5), luật sư Lưu Tiến Dũng - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông
Trần Xuân Giá xác nhận, thời điểm hiện tại ông này vẫn đang điều trị và chờ phẫu thuật bệnh phì đại tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội). “Theo Kết luận của Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương chiều ngày 14.5, thể trạng sức khỏe của ông Giá còn rất yếu, chưa thể tự đi lại được, hay bị choáng và rối loạn tiêu hóa. Ông Giá còn đang phải điều trị kháng sinh khoảng một tháng nữa để chữa nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bệnh phì đại tiền liệt tuyến còn nặng và vẫn chưa loại trừ được khả năng ung thư”, luật sư Dũng nói.
Theo luật sư Dũng, sau khi Hội đồng xét xử - TAND TP.Hà Nội tuyên bố hoãn phiên xử vào ngày 16.4, ông đã đại diện cho thân chủ của mình gửi đơn lên TAND TP.Hà Nội thông báo về tình trạng sức khỏe của ông Giá.
Còn về khả năng ông Giá có tham gia phiên tòa ngày mai (20.5) hay không, luật sư Dũng cho biết, trước khi phiên xử bắt đầu một ngày (tức ngày hôm nay, 19.5), ông sẽ đại diện cho thân chủ thông báo chính thức về tình hình sức khỏe của ông Giá cũng như khả năng bị can này có tham dự phiên tòa hay không. “Chúng tôi phải chờ đợi kết quả kiểm tra tình hình sức khỏe của ông Giá cũng như phác đồ điều trị do bệnh viện cung cấp mới có thể trả lời chính xác. Hiện tại ông Giá vẫn đang nỗ lực nâng cao tình trạng thể lực để có thể tham dự phiên tòa”, luật sư Dũng cho hay.
Theo cáo trạng ngày 10.2.2014, của Viện KSND Tối cao thì ông
Trần Xuân Giá bị truy tố về hai hành vi: “Thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank (trái với quy định tại Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010) và “Thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (trái với quy định tại Điều 29, Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính). Các hành vi này của ông Giá đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự”.
Cần nghiên cứu kỹ việc tách vụ ánLiên qua đến việc bị can
Trần Xuân Giá không tham gia phiên tòa vì lý do sức khỏe, khiến phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 16.4 phải đình hoãn, ngày 1.5 trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Bình, Chánh án TAND TP.Hà Nội cho biết, trong trường hợp ông Giá vì lý do sức khỏe không thể tham gia phiên tòa thì sẽ xem xét khả năng xét xử vắng mặt, hoặc tách vụ án, tách bị can ra khỏi vụ án này để tiếp tục xét xử những người khác.
Trả lời PV về ý kiến của Chánh án Nguyễn Đức Bình, luật sư Bùi Đình Ứng - Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Luật Tố tụng, có thể xem xét tách vụ án ra xử riêng trong trường hợp hành vi của các bị can độc lập, không có sự liên quan đến nhau. Khi tách ra xử riêng sẽ không ảnh hưởng đến quá trình xét xử và luận tội của các bị can.
Đối với trường hợp ông
Trần Xuân Giá trong vụ án xét xử
Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, luật sư Ứng cho rằng, nếu cơ quan tố tụng thực hiện việc tách ông Giá ra xử riêng thì phải đảm bảo hai điều kiện: Thứ nhất, phiên xử “bầu Kiên” không cần ông Giá có mặt vẫn xét xử bình thường, vẫn đủ cơ sở để luận tội các bị can khác mà không cần sự có mặt, lời khai của ông Giá. Thứ hai, khi xét xử ông Giá, không cần các bị can khác có mặt mà vẫn không ảnh hưởng tới quá trình luận tội ông Giá.
“Nếu đã tách riêng ông Giá ra xử sau mà khi xử ông Giá vẫn phải triệu tập các bị can khác để lấy lời khai thì việc tách xử riêng ông Giá không làm được” - luật sư Ứng cho biết thêm.