Dân Việt

Bệnh nam khoa: Một người yếu, hai người buồn

07/04/2011 13:26 GMT+7
(Dân Việt) - Bệnh lây truyền qua đường tình dục thì hai người phải cùng chữa. Như thế, mới tạo nên cuộc sống tình dục hài hòa, củng cố tình cảm vợ chồng, sinh con khỏe mạnh.

“Những vấn đề sức khỏe rất thông thường nhưng lại khiến người đàn ông cao lớn, mạnh mẽ trở nên “yếu xìu” - bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, phòng khám Nam khoa, Viện Sức khỏe cộng động và phát triển Ánh Sáng chia sẻ về các bệnh liên quan đến “biểu tượng” của đàn ông.

Đàn ông khóc

img

Bác sĩ Hưng đang tư vấn cho đôi bạn trẻ trước khi kết hôn.

Chần chừ mãi, nhìn trước, ngó sau, anh Dũng (Ba Đình, Hà Nội) mới dám tạt vào phòng khám Nam khoa ở Viện Ánh Sáng. Kéo chiếc mũ lưỡi trai xuống dưới trán, anh Dũng len lén ngồi chớm vào mép ghế, cầm tờ báo che ngang mặt. Tuần trước, “thằng nhỏ” của anh có hiện tượng tấy đỏ, đi tiểu buốt, nhịn không nổi, nên anh đành giấu vợ đi khám. Không hiểu cho nỗi khổ của chồng, thấy anh hờ hững gối chăn, chị còn hờn dỗi chồng “đổ hết sức lực cho bên ngoài”.

Mỗi ngày, phòng khám Nam khoa, Viện Ánh Sáng tiếp từ 10-15 nam giới và hàng chục ca tư vấn qua điện thoại. Bác sĩ Hưng cho biết: “Họ chia sẻ với bác sĩ rất dè dặt, thậm chí giấu bệnh đến lúc bác sĩ “bắt nọn” mới “khai” thật”.

Quan niệm “sinh nở là chuyện đàn bà” nên đàn ông rất khó nói ra bệnh tật của mình. Việc thừa nhận mình bị bệnh lây truyền qua đường tình dục, cơ quan sinh sản bị “ốm” sẽ khiến cho bản lĩnh đàn ông của họ giảm sút, thậm chí bị sỉ nhục. Có người kể khổ qua điện thoại cũng chỉ dám thì thào rất nhỏ khiến bác sĩ phải căng tai, vừa nghe vừa “đoán” mới hiểu câu chuyện. Nếu chỉ “miêu tả” qua điện thoại, không đến trực tiếp để bác sĩ khám lâm sàng, kiểm tra bằng xét nghiệm thì rất khó đoán bệnh.

Các cơ sở y tế, phòng khám phụ khoa nhan nhản, nhưng phòng khám nam khoa chỉ đếm trên đầu ngón tay khiến anh em phải nín nhịn bệnh tật và thầm ghen tị với chị em.

Anh em ở Hà Nội còn biết đến vài ba cơ sở ở Bệnh viện Việt Đức, khoa hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản T.Ư hay khoa Nam học Học viện Y dược cổ truyền, Viện Ánh Sáng hay một vài cơ sở tư nhân. Còn cánh mày râu ở nông thôn lên đến bệnh viện huyện cũng chỉ có khoa sản. Vì vậy, nếu “biểu tượng tình dục” bị ốm, anh em chỉ có thể khóc… một mình.

Một mình không… sướng

img Bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giống như một số bệnh cảm cúm, viêm họng thông thường. Bệnh lây truyền thì hai người phải cùng chữa. Như thế, mới tạo nên cuộc sống tình dục hài hòa, củng cố tình cảm vợ chồng, sinh con khỏe mạnh. img

Anh Hỷ (Tân Yên, Bắc Giang) còn kể nỗi khổ khi đi làm ăn xa về, nghe cộng tác viên dân số vận động, nên muốn giúp đỡ vợ tránh thai bằng cách dùng bao cao su.

“Nhưng mình vừa đưa ra, bà ấy đã giãy nảy rằng mình đi chơi bời, mắc bệnh, nếu không cũng là thiếu tin tưởng vợ” – anh Hỷ tâm sự. Anh Sinh cùng làng cũng cho biết: “Muốn vận động các bà thay đổi quan điểm về tình dục còn khó hơn lên trời. Chúng tôi làm ăn không ra gì thì các bà trách móc đàn ông ích kỷ, vô tình. Nhưng đòi hỏi, thay đổi cách thức có khi còn bị hiểu lầm là “bắt chước” người ngoài”.

Anh Hỷ và Sinh là hai người được phỏng vấn trong nghiên cứu “Vai trò của người đàn ông trong sức khỏe sinh sản, gia đình và xã hội" của bà Vũ Phạm Nguyên Thanh (Tổ chức HealthBrige).

Bà Thanh nhận định: "Nhiều người quan niệm, khi không có khả năng tình dục, đàn ông cũng mất hẳn tư tưởng phóng khoáng, tự tin, mất khả năng chinh phục và mạo hiểm. Tình dục được xem là sức mạnh bên trong làm nên bản lĩnh và tính cách đàn ông, nên nếu "biểu tượng" này bị ốm họ sẽ cảm thấy đánh mất mình, "yếu" cả về thể chất lẫn tinh thần".

Chính vì coi tình dục là sức mạnh đàn ông, nên đa số mọi người cho rằng khoái cảm tình dục được mặc định là quyền lợi của anh em, chỉ anh em mới thích thú, “ham hố” chứ phụ nữ chỉ phục tùng cho xong chuyện. Khi phụ nữ không chia sẻ thì chính đàn ông cũng cảm thấy khó khăn, áy náy và không biết mình đã "làm tốt" hay chưa. Có ốm yếu cũng không dám kêu. Không chỉ phụ nữ, mà nam giới cũng chịu áp lực rất nặng nề về định kiến giới.