Dân Việt

Chuyện về lão nông bỏ 8 tỷ xây trường mầm non

Nông Nghiệp 20/05/2014 10:18 GMT+7
Không chỉ bỏ tiền túi ra hơn 8 tỷ xây trường mầm non, vợ chồng ông Nghĩa còn dành rất nhiều tiền làm nhiều việc thiện.
Bỏ ra hơn 8 tỷ đồng để xây một ngôi trường mầm non khang trang; đều đặn mỗi năm học mới, dành cả trăm triệu để mua quà, xe đạp tặng các em học sinh nghèo vượt khó; mỗi năm gửi 50 triệu đồng tặng các chiến sĩ Trường Sa… Đó là những việc mà vợ chồng ông Đặng Hữu Nghĩa, ở xã Trường Hòa, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh đã làm từ nhiều năm nay.
img
Ngôi trường mầm non do vợ chồng ông Năm Nghĩa đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng

Nhận nhiều hơn những gì đã cho

Đến ngã ba Chà Là, xã Trường Hòa, còn cách nhà ông Đặng Hữu Nghĩa (Năm Nghĩa) chừng 7 cây số, nhưng hỏi tên ông, ai cũng biết và chỉ đường rất cặn kẽ. Căn nhà của vợ chồng ông không hoành tráng nhưng tọa lại trên một khuôn viên khá rộng ở ấp Trường Thọ.

Tôi hỏi ông: “Đất rộng, tiền nhiều, sao chú không xây một căn biệt thự ở cho sướng?”. Ông cười to: “Nhà có 2 ông bà già. Ở vậy được rồi. So với ngày xưa thì như vậy là quá tốt rồi. Tiền để làm việc khác có ích hơn”.
img
Vợ chồng ông bà Đặng Hữu Nghĩa - Lê Thị Hảo.

Năm nay đã 83 tuổi nhưng nhìn ông Năm Nghĩa còn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Ông bảo: Đó là nhờ tinh thần tốt và vì tui “nhận” nhiều. Tôi hỏi: “Chú nhận được gì?”. Ông thủng thẳng: “Tui nghĩ, trên đời này cái khó có được nhất là hạnh phúc. Nhưng tui đang có. Nhìn các cháu tung tăng đến ngôi trường do tui đầu tư xây lại khang trang, sạch đẹp, tui hạnh phúc. Thấy các em đạp chiếc xe do tui tặng đến trường, không phải đi bộ như trước, tui vui.

Một gia đình thoát cảnh nghèo vì tui giúp họ vốn làm ăn, tui hạnh phúc lắm. Như vậy có phải là đã nhận quá nhiều hạnh phúc không?”.

Kể lại cuộc đời đầy thăng trầm, vất vả của mình và lý do bây giờ 2 ông bà chỉ tập trung làm từ thiện, giúp người nghèo, giúp các em học sinh, ông nói: “Hồi trẻ, tui vất vả lắm. Chạy loạn Pôn - pốt từ vùng biên giới về đây, chỉ với 2 bàn tay trắng. Nhà cửa không có, ruộng nương cũng không. Đến khi lập gia đình, có 3 đứa con, cuộc sống lại càng thiếu thốn hơn.

Nhưng vợ chồng tui quyết tâm lo cho các cháu ăn học. Vì tui nghĩ, nếu không có kiến thức, trình độ thì không bao giờ ngẩng mặt lên được. Hạnh phúc nhất của vợ chồng tui là cả 3 đứa con đều rất ngoan, có hiếu với cha mẹ, học giỏi và đều thành đạt. Tui nghĩ, tất cả là từ giáo dục mà nên. Vì thế, ước mong lớn nhất của vợ chồng tui bây giờ là tất cả học trò nghèo đều được đi học. Còn trường lớp ngày càng khang trang hơn”.

Ông Năm Nghĩa cho biết, ông bà có tiền giúp đỡ mọi người như hôm nay giàu lên là do 3 người con ở nước ngoài gửi tiền về để ông mua đất trồng cao su. Hiện nay, ông có 100 ha cao su đang cạo mủ. Toàn bộ số tiền thu được ông dành hết để làm từ thiện, đầu tư cho ngành giáo dục tỉnh.

“Ban đầu mấy đứa nhỏ nói gửi tiền về cho cha mẹ hưởng phúc tuổi già, nhưng tui muốn giúp đỡ mọi người hơn. Vì thế, toàn bộ tiền các con gửi về, tui đầu tư cho cao su. Muốn giúp mọi người lâu dài thì phải có nguồn thu ổn định. Cho nên, tui trồng cao su”, ông Năm Nghĩa kể.

Đều đặn từ năm 2000 đến nay, mỗi năm học mới ông Năm Nghĩa lại chuẩn bị tiền mua hàng chục chiếc xe đạp, phần quà tặng cho các em học sinh nghèo ở tỉnh, huyện, và xã nhà. "Năm học này, tui tặng 20 chiếc xe đạp và 20 triệu đồng cho các em học sinh nghèo học giỏi của huyện Hòa Thành, 10 chiếc xe đạp và 10 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh Tây Ninh", ông Năm Nghĩa khoe.

Từ khoảng 5 năm trở lại đây, khi thu nhập khá lên nhờ cao su, cứ mỗi năm ông Năm Nghĩa lại dành 50 triệu đồng và viết thư thăm hỏi động viên các chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa. Ông cũng dành hàng trăm triệu đồng để giúp đồng bào miền Trung bị thiên tai lũ lụt và tài trợ xây dựng đường sá cho người dân.
img
Ông Năm Nghĩa: “Không hạnh phúc nào bằng khi nhìn các cháu được chăm sóc tốt thế này”.

Dù tuổi cao nhưng ông vẫn chạy như con thoi, đi khắp nơi giúp đỡ mọi người, chính vì thế, tôi phải hẹn ông đến lần thứ 3 mới gặp được.

Nghe tôi hỏi: “Chú đi nhiều, cho đi nhiều, cô có buồn không?”, bà Lê Thị Hảo, vợ ông Năm Nghĩa, năm đã 84 tuổi, khuôn mặt phúc hậu, cười rạng rỡ, đáp: “Chúng tôi cùng chung chí hướng, làm cái gì cũng thuận vợ thuận chồng hết. Vợ chồng tui còn mong làm được nhiều hơn thế nữa”.

Nụ cười trẻ thơ

Dẫn tôi ra thăm ngôi trường do mình đầu tư xây dựng, ông Năm Nghĩa kể: “Ngôi trường này hồi đó xập xệ, tạm bợ lắm. Nên toàn trẻ em nghèo đến học chứ con nhà khá giả chẳng ai cho học cả. Nhìn các cháu sinh hoạt trong cảnh tạm bợ, tôi xót lắm. Nên tui về lên kế hoạch đầu tư xây lại.

Thời điểm khởi công là năm 2012, giá cao su đang tụt, tiền ít đi, nhưng vì công trình đang tiến hành nên tôi phải vay ngân hàng thêm mới có đủ tiền làm”.


“Ông Năm Nghĩa là người đóng góp nhiều nhất cho tỉnh Tây Ninh, huyện Hòa Thành và xã Trường Hòa. Ngoài ngôi trường mầm non 8 tỷ đồng, vào mỗi năm học mới, ổng lại mua từ 10 - 20 chiếc xe đạp kèm một phần quà tặng các em học sinh nghèo, góp tiền làm đường, giúp các gia đỉnh khó khăn… tính ra mỗi năm ông Năm Nghĩa góp cả tỷ bạc chứ không ít. Bất cứ lúc nào cần hỗ trợ, và sẵn tiền là chú bỏ ra ngay không đắn đo”, ông Nguyễn Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND xã Trường Hòa.

Đầu tháng 9.2013, Trường mầm non Hiệp Định (ấp Hiệp Định, xã Hiệp Tân) do ông bà Năm Nghĩa đầu tư hơn 8 tỉ đồng được khánh thành khang trang. Công trình được xây dựng trên khuôn viên ngót 2.000m2, diện tích xây dựng hơn 1.500m2, gồm 1 trệt, 1 lầu, với 10 phòng học, 6 phòng chức năng đạt chuẩn quốc gia cùng các công trình phụ trợ khác.

Ngoài tiền xây dựng trường 8 tỉ, vợ chồng ông Năm Nghĩa còn đầu tư thêm 100 triệu đồng để xây dựng công trình thoát nước và hơn 50 triệu đồng tổ chức lễ khánh thành trường. “Sau đó, con đường nhỏ bên hông trái trường lầy lội, bà con kêu quá nên tôi lại bỏ ra hơn trăm triệu nữa cải tạo lại cho khô ráo”, ông Năm Nghĩa kể.
img
Ngoài Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước tặng năm 2013, vợ chồng ông Năm Nghĩa còn hàng trăm bằng khen, giấy khen, bảng ghi nhận công đức từ khắp nơi gửi tặng

Cô Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiệp Định, cho biết: “Trường này hiện là một trong những trường mầm non tốt nhất của huyện, từ cơ sở vật chất đến việc chăm sóc, nuôi dạy các cháu. Bên cạnh đó, do đây là ngôi trường ưu tiên cho các cháu con nhà nghèo, khó khăn nên học phí rất thấp”.

Tôi đi một vòng quanh trường và xác nhận lời cô Hương nói là đúng. Các phòng học rộng rãi, thoáng và sạch boong. Khu vực bếp sáng choang bởi toàn bộ đồ dùng đều bằng inox, các cô phục vụ mặc đồng phục màu xanh với nón, khẩu trang, tạp dề.

Ghé vào 1 lớp ở tầng 1 giữa lúc các cô giáo đang dạy các cháu múa hát, cô Loan, 1 trong 2 cô giáo trong lớp cho biết: “Ở đây mỗi lớp chỉ có trên dưới 20 cháu nên việc chăm sóc các cháu cũng tốt hơn. Con em hiện cũng đang học ở đây”.

Chia tay tôi, ông Năm Nghĩa nói: “Từ lâu, tui ấp ủ dự định đầu tư xây một phòng khám đa khoa phục vụ miễn phí các em học sinh. Dự án này hết khoảng 16 tỷ đồng, nhưng giờ giá mủ cao su xuống thấp quá, nên chưa đủ tiền”. Hy vọng giá cao su sẽ tăng trở lại để ông Năm Nghĩa có thể thực hiện ước mơ tốt đẹp này.