Bài đăng, nhiều đồng nghiệp đã gọi điện hỏi “mua”... thịt lợn chết, người thì bảo: “Cậu không cần hóa trang cũng đã giống gã... buôn lợn rồi”.
Khi đó, tôi về viết bài về tình trạng ô nhiễm môi trường, do người dân ở chợ lợn An Nội (chợ lợn lớn nhất miền Bắc) vứt bừa bãi ra kênh mương khu vực này. Tại đây, tôi đã phát hiện ra một đường dây 4 – 5 đầu nậu chuyên mua lợn chết (cả lợn con, lẫn lợn to), gà chết để làm ruốc, giò chả, sườn chua ngọt, thịt đông lạnh… Nhận thấy vấn đề quá “gai”, rất nguy hiểm cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, tôi đã báo cáo lãnh đạo và bắt tay vào công việc điều tra.
PV Việt Tùng trong một lần tác nghiệp ở Hòa Bình.
Vì chưa rõ đâu là trang trại hay bán lợn chết, đầu nậu vận chuyển bằng cách nào, hình thức chế biến, tiêu thụ ra sao, tôi đành tìm đến các trang trại lớn ở Bình Lục để thăm dò. Được một người dân ở gần một trang trại lớn có tiếng ở xã La Sơn (Bình Lục) giúp đỡ và thông tin, rằng trang trại này liên tục tuồn lợn chết ra ngoài. Cạnh trang trại này có vài ngôi mộ, sau một hồi suy nghĩ tôi quyết định vào vai: “Cháu lâu ngày xa quê về thắm hương cho các cụ”. Sau một hồi nhổ cỏ, thắp hương đánh lừa bảo vệ, tôi đã ghi lại được hình ảnh 2 con lợn chết vừa được công nhân lôi ra vứt ở sân chờ “đầu nậu” đến ăn hàng.
Xác định đúng đây là trại bán lợn chết bệnh ra ngoài, tôi rút êm để tránh bị lộ. 4 ngày tiếp theo tôi chọn một vị trí đắc địa để có thể chụp ảnh và đếm được số lợn tuồn ra. Chỉ 4 ngày, đã có hơn chục chuyến xe ba gác vào ăn lợn chết, mỗi xe 3 – 4 con. Khi đủ chứng cứ, tôi quyết định bám theo các xe ba gác lần đến “sào huyệt” của kẻ tiêu thụ lợn chết bệnh. Ngày đầu tôi bám theo một xe ba gác chở 2 lợn chết từ trang trại kể trên, sau hơn 1 giờ vòng vèo qua các ngõ làng, cuối cùng gã dừng lại cách chợ Mỹ Lộc (Mỹ Lộc, Nam Đinh) 30m. Hôm sau, tôi lại bám theo một xe chở 3 lợn chết cũng ở trang trại này, sau gần 1 giờ thì xe dừng lại ở hộ ông Sơn, xã Tràng An (Bình Lục). Ngày thứ ba, vẫn ở trang trại này lại xuất hiện một gã xe ba gác mới chở 2 con lợn sề, sau 30 phút bám theo gã dùng lại cách chợ lợn An Nội khoảng 300m.
Từ các “địa chỉ đỏ”, tôi lên lịch tác nghiệp. Khi thì vào vai gã chuyên “ăn” thịt, sườn lợn chết, giò chả, ruốc bông lợn chết để đổ cho các nhà hàng ở Hà Nội, Hải Dương... tôi lần lượt “đột nhập” vào “thủ phủ” của các đầu nậu buôn lợn chết trên. Khi nghe tôi hỏi về giá cả các loại thịt, sườn, ruốc, rồi đưa ra “giá hàng” và số lượng “khủng”, các đầu nậu thi nhau kể về thành tích, “tiềm năng” nguồn hàng của mình. Hôm vào vai gã chuyên nhập giò, chả, ruốc… lợn chết, tôi còn được biếu mỗi thứ 0,5kg về làm mẫu và ăn thử.
Rất mừng là sau khi báo đăng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu kiểm tra làm rõ tình trạng trên, sau gần nửa tháng đường dây này đã bị chặn đứng.