Dân Việt

Gà cảnh ngàn đô - thú chơi mới của dân thủ đô

Tiền Phong 18/05/2014 15:08 GMT+7
Xuất hiện muộn, song giống gà nhỏ mang tên Serama lại nhận được sự ưu ái từ giới trẻ. Dáng nhỏ, ngực ưỡn cao hiên ngang, chúng còn có một tên khác: “Gà thượng lưu”.
Để được coi là gà chơi thì cũng có nhiều loại, từ gà trong nước: Gà Tân Châu (An Giang), gà tre bắc, gà tre lai rừng… đến các giống gà ngoại: Gà tre Thái, gà Ba Lan, Phoenix… Xuất hiện muộn, song giống gà nhỏ mang tên Serama lại nhận được sự ưu ái từ giới trẻ. Dáng nhỏ, ngực ưỡn cao hiên ngang, chúng còn có một tên khác: “Gà thượng lưu”.

Gà sang dạo phố

Tại một quán café vỉa hè trên phố Hà Nội, khi những người xung quanh đang bận tâm chuyện phiếm hay đắm chìm vào những chiếc điện thoại thông minh thì ở một góc riêng, có một chàng trai đang ngồi say mê với một… chú gà.

Nhìn cách vuốt ve, nâng niu của anh chàng thì đích thị đó là cách người ta hay chăm sóc những con vật cưng. Chàng trai đó là Hoàng Việt, sinh năm 1988. Việt đã tìm đến với giống gà tre Serama như một thú chơi được 4 năm.

“Trước kia, tôi chơi gà chọi, gà tre bắc, nhưng một lần tình cờ nhìn thấy gà Serama trên mạng, tôi bị “bỏ bùa”, giờ chỉ nuôi giống gà này”. Thời điểm ấy, gà nhập từ Malaysia có giá 12 triệu đồng/cặp. Lúc đó vẫn còn là sinh viên, Việt cố gắng chạy ngược, chạy xuôi, nhịn cả ăn sáng để đủ tiền mua cặp gà yêu thích.

Từ ngày có gà, Việt dành hầu như toàn bộ thời gian ở nhà để chăm gà. Khoảng sân nhỏ trên tầng thượng giờ là không gian riêng cho 10 chú gà Serama đủ loại. Mỗi lần đi ra ngoài chơi, uống cà phê với bạn bè, Việt đều mang theo một chú gà để “đọ dáng”.
Một thanh niên chơi gà Serama
Một thanh niên chơi gà Serama

Trần Linh Huế (Quán Thánh, Hà Nội) là một trong những người trẻ đầu tiên chơi Serama tại Hà Nội. “Trước em nuôi chó, mèo nhưng nhà chật nuôi vất vả nên khi biết đến gà Serama, em chuyển qua nuôi luôn. Vừa nhỏ, vừa đẹp lại gần người”. Huế tự hào khoe thêm về chú gà Serama từng được trả giá cao nhất Hà Nội: 35 triệu đồng nhưng anh vẫn không bán.

Để nói ăn, ngủ với gà thì phải nói đến Vũ Hiếu (Gia Lâm, Hà Nội). “Vợ còn không ở cùng mình nhiều bằng gà” – Hiếu cười nói. “Trong phòng làm việc lẫn ở nhà đều có gà, nhìn gà lên dáng từng ngày mình thấy hết mệt mỏi, áp lực công việc cũng bay đi đâu hết”.

Kỷ cương, kỷ luật như… gà

Giống gà Serama trước đây có giá ít nhất từ 15 triệu đồng nhập từ Malaysia, nay gà đã rẻ đi nhiều do được dân chơi lai tạo trong nước. Giá mỗi cặp chỉ từ 3 triệu đồng, tuy nhiên để mua được gà đẹp, dân mê gà phải bỏ ra ít nhất 5 – 20 triệu đồng/con.

Chọn mua gà cần dựa vào sự tham vấn của cộng đồng, Hội chơi gà Serama miền Bắc giờ đã có gần 700 thành viên. Hội chơi là nơi các thành viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và chọn mua gà. Muốn biết gà con lớn lên có đẹp hay không phải nhìn kỹ cả gà bố lẫn gà mẹ. Vì vậy, người mua luôn chọn những nơi quen biết để đảm bảo chắc chắn nguồn gốc.
Gà Serama
Gà Serama

Điểm khác biệt của thú chơi Serama là người chơi luôn coi trọng đặc điểm của gà. Một con gà có ngoại hình đẹp nhưng phải có đặc tính hiền hòa, thân thiện. Những đặc tính này thường phải được huấn luyện kỹ càng của chủ gà mới có được, nhưng với những chú gà có tố chất thì việc huấn luyện sẽ dễ dàng hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà các chú gà hay được chủ nhân mang ra quán café hay nơi tụ tập đông người. Đó là lúc họ đang huấn luyện gà trưởng thành, để có “độ dạn” trước đám đông.

Theo Nguyễn Bá Hiếu (Long Biên, Hà Nội) người từng sở hữu 17 chú gà Serama thì nuôi gà Serama không vất vả như nuôi gà chọi hay gà tre bắc. Giống gà này dễ ăn, dễ nuôi. Chỉ cần mỗi ngày 15 nghìn đồng mua thức ăn là đủ cho một con sống khỏe. Tuy nhiên, để nuôi gà theo chuẩn thì lại khác.

Serama là loại gà tre nhỏ và nhẹ nhất trên thế giới (trọng lượng gà trưởng thành chỉ dưới 500g). Gà Serama hiện đại có xuất xứ từ Malaysia. Kiểu dáng đẹp, nhỏ gọn chỉ bằng gang tay khiến giống gà này được dân chơi sinh vật cảnh ở Việt Nam ưa chuộng.

Ban đầu, Serama có giá rất cao, từ 20 triệu đồng/ cặp. Đến nay, sau một thời gian nhân giống tại Việt Nam giá gà đã giảm đi nhiều, phù hợp hơn với kinh tế của đa số người chơi.

“Ngoài tập dáng cho gà, ngày nào mình cũng dành 10 phút cho gà ra bàn tập kỷ luật để rèn tính cách cho gà trong vòng 6 tháng” – Linh Huế, người đoạt giải trong cuộc thi gà Serama miền Bắc hồi tháng 6.2013 tâm sự. Nhiều lúc quên cả ăn để chăm sóc gà cũng là chuyện bình thường. Nuôi hơn 30 chú gà Serama nhưng Huế cũng chỉ chọn được một con xuất sắc, đủ “cả sắc cả tài” để tham gia dự thi.

Với một dòng gà đắt tiền như Serama, việc chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch cúm gia cầm cho chúng luôn được chú ý. Vắc- xin phòng dịch được nhỏ cho gà sơ sinh và tiêm nhắc lại khi gà được 3 tháng tuổi.

“Vừa để chống dịch cho gà vừa có cái để trình với cơ quan chức năng nếu có đợt dịch” – Huế chia sẻ. “Mỗi khi gà ốm có khi mình bị ốm lây vì thức đêm để bơm nước, bơm thuốc cho gà”.

Đã là một thú chơi thì cần kỳ công, vất vả. Chăm sóc gà tưởng đơn giản nhưng lại tốn nhiều công sức. Đến khi gà đẹp, lên ngực, trổ lông... thì đó lại là phần thưởng cho những ngày tháng vất vả của chủ gà. Đó là lý do vì sao “gà thượng lưu” đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.