Thưa Thiếu tướng, những ngày qua, người dân Việt Nam đã đồng lòng kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, không phải mọi công dân đều thể hiện lòng yêu nước một cách sáng suốt. Với những động thái như vừa qua ở Bình Dương và Đồng Nai, theo ông bài học nào chúng ta cần rút ra?- Vừa rồi những người dân Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng phản đối hành động sai trái của Trung Quốc khi đưa trái phép giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 thập kỷ qua, những hành động phản kháng như vậy của chúng ta được thể hiện mạnh mẽ, và cũng là lần đầu tiên trong 3 thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế có tiếng nói ủng hộ, bảo vệ Việt Nam đến như vậy.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an
Từ thông điệp rõ ràng, mạch lạc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN, người dân Việt Nam hiểu rõ hơn tinh thần bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Cộng đồng quốc tế cũng hiểu được nguyện vọng yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa của Việt Nam. Người dân Việt Nam có lòng yêu nước, kiên quyết phản đối hành động xâm phạm của Trung Quốc gây ra, đó là hành động đúng.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây: Có nhiều cách để bày tỏ lòng yêu nước và tự tôn dân tộc. Lúc này là lúc mà theo tôi, tốt nhất là mỗi công dân chúng ta cần phải bình tĩnh. Ví dụ có thể chọn hình thức viết bài và gửi lên hệ thống phát thanh, truyền hình. Thứ hai là tổ chức các cuộc mít-tinh, gửi các văn kiện kiến nghị, phản đối lên Liên Hợp Quốc, thậm chí gửi kiến nghị đến tận chính quyền Trung Quốc…
Những hành động có sức mạnh hơn nữa là xuống đường tuần hành, phản đối. Đó là hành động yêu nước có văn hóa. Khi tham gia vào các cuộc tuần hành, chúng ta hô vang khẩu hiệu, ví dụ như: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”, “Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam”, “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam”…
Những cuộc tuần hành như vậy diễn ra trong trật tự, đúng luật pháp. Chúng ta có thể tuần hành qua cơ quan Đại sứ quán Trung Quốc, nhưng tuyệt đối không dùng những lời lẽ kích động, miệt thị người Trung Quốc. Đây là điều tối kỵ, trái với luật pháp Việt Nam.
Cách xử lý nào phù hợp với trường hợp này để Trung Quốc không lấy đó làm cái cớ vu khống Việt Nam, thưa ông?- Những hành động đập phá công sở, nhà máy, phá hoại tài sản người nước ngoài là vi phạm luật pháp Việt Nam, cần phải trừng trị theo đúng luật pháp Việt Nam. Chính quyền phải đưa những trường hợp này xử theo đúng luật hình sự và phải yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Những ai đã đập phá cơ sở vật chất của doanh nghiệp Trung Quốc, người đó phải bị pháp luật Việt Nam trừng trị. Nhà nước Việt Nam phải làm việc này một cách công khai, thẳng thắn và nhanh chóng, không để Trung Quốc lợi dụng vu cáo Việt Nam chủ trương kích động người dân chống lại Trung Quốc.
Còn về phía người Việt Nam, cần phải bình tĩnh, tỏ thái độ một cách văn hóa, yêu nước nhưng phải tuân thủ luật pháp, đồng thời phải giữ mối quan hệ hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.
Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng, có thế lực đứng sau những hành động quá khích ở Bình Dương nhằm làm suy giảm uy tín của Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế?- Trong hoạt động manh động như ở Bình Dương vừa qua, phải nói rằng rất nhiều người Việt Nam đang yêu nước một cách không sáng suốt. Chúng ta cũng không loại trừ khả năng có những phần tử kích động, những người có thể đã nhận tiền của thế lực nào đấy, để lấy cớ chống phá đất nước và dân tộc Việt Nam. Và cũng không loại trừ bọn lưu manh "đục nước béo cò"… Tôi không biết rõ về điều này, nhưng không loại trừ bất cứ khả năng nào.
- Xin cảm ơn ông!