Cụ thể, tàu Trung Quốc đã sử dụng các tàu đâm, phun nước vào các tàu của Việt Nam tại khu vực 4,5 hải lý xung quanh giàn khoan bao gồm: tàu hải cảnh 46014 ném các vật cứng như đá, chai, sắt sang tàu kiểm ngư 764; tàu cá vỏ sắt 9800 của Trung Quốc chủ động đâm vào đuôi tàu kiểm ngư 797 của Việt Nam; tàu hải cảnh của Trung Quốc 35101 phun nước vào tàu kiểm ngư 761; tàu hải cảnh của Trung Quốc 33101 phun nước vào tàu kiểm ngư 765 và tàu Cảnh sát biển của Việt Nam bị tàu hải cảnh đâm.
Tàu 46001 của Trung Quốc lao thẳng vào tàu 4032 của Việt Nam. Ảnh:
Nguyễn Đông - Vnexpress
Ông Trung cũng cho biết, trong ngày 14.5, lực lượng của Trung Quốc vẫn có 86 tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981, trong đó có 2 tàu quân sự được trang bị vũ khí, 32 tàu hải cảnh và các tàu cá ngụy trang, đặc biệt là vẫn có 2 máy bay chiến đấu luôn bay lượn trên bầu trời.
Lực lượng của Việt Nam trong ngày 14.5 vẫn có 32 tàu, trong đó có 18 tàu của lực lượng Cảnh sát biển, 14 tàu kiểm ngư và nhiều tàu khác; trong ngày 14.5 cũng đã có hơn 50 nhà báo trong nước và quốc tế có mặt tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương - 981 để tác nghiệp, cập nhật thông tin vụ việc.
Cũng theo ông Trung, trong ngày 14.5, các lực lượng của Việt Nam đã tiến sát hơn khu vực giàn khoan, hiện chỉ còn cách 4-5 hải lý so với ngày 13.5 (là 6-7 hải lý). Tuy nhiên, càng tiếp cận vào gần khu vực giàn khoan thì tình hình lại càng căng thẳng hơn.
“Lực lượng Kiểm ngư liên tục thực hiện các biện pháp tiếp cận hòa bình, chia thành các nhóm, trong đó có nhóm bảo vệ ngư dân, kiên trì phát loa phóng thanh yêu cầu Trung Quốc rời khỏi khu vực chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ phải khôn khéo và luôn bình tĩnh, kiềm chế, tránh để lực lượng của Trung Quốc lấy cớ gây hấn làm căng thẳng thêm sự việc”, ông Trung nói.