Nhưng ở họ, vượt lên tất cả sự hiểm nguy với tính mạng và tài sản của mình là lòng yêu nước, là thái độ không chấp nhận mất chủ quyền biển đảo. Họ coi mình như là những cột mốc sống giữa biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Cống hiến cả tính mạngvà tài sảnSau một phiên đi biển dài, mới vào bờ bán cá được 10 tiếng đồng hồ thì ông Nguyễn Đức Nghiệp (48 tuổi) - chủ tàu cá QNa 90747 ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, lại tiếp tục dong tàu ra khơi. Đúng 36 tiếng chạy liên tục không nghỉ, ông và những người bạn của mình đã đưa tàu có mặt ở Hoàng Sa để làm nghĩa vụ của những người con dân đất Việt khẳng định chủ quyền lãnh thổ non sông.
Giữa sóng gió Hoàng Sa, ông Nghiệp và các ngư dân từng giờ từng phút phải đương đầu với những tàu cá Trung Quốc giăng kín mặt biển để bảo vệ giàn khoang Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại lô 143 của vùng biển Việt Nam. Ông Nghiệp tâm sự: Sau nhiều năm tích góp từ nghề biển, tôi đóng được con tàu này với giá 3,8 tỷ đồng, để vươn khơi.
Năm 2013, tôi và 14 bạn lưới của mình đi được 21 chuyến biển với 18 chuyến trúng, công mỗi bạn lưới được 140 triệu đồng, riêng tôi là chủ tàu trừ mọi phí tổn hết cũng còn thu 1,1 tỷ đồng. Làm ăn như thế với những người ngư dân tụi tôi là được lắm rồi, mong sóng yên biển lặng, trời thương và người đừng phá để ngư dân yên ổn làm giàu, góp sức cho nước mạnh”.
Ngư dân căng khẩu hiệu phản đối Trung Quốc tại Hoàng Sa.
Ông Nghiệp kể, bữa trước tàu ông vừa vào đến bờ được 10 giờ đồng hồ, mới vét xong con cá cuối cùng từ hầm lên thì vợ ông là bà Nguyễn Thị Bé tất tả chạy ra thông báo: “Mấy chú đến nhà nói rồi và em đã đồng ý để anh quay lại biển góp sức vào việc đấu tranh với Trung Quốc tại Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Vợ chồng lúc khác gặp nhau cũng được”. Thế là ông cũng chẳng kịp về đến nhà ngó mặt mũi mấy đứa nhỏ xem học hành ra sao. Từ cảng cá, ông cùng các bạn mình mua lương thực thực phẩm, tích trữ nước ngọt, mua dầu, và đúng 10 tiếng kể từ khi vào bờ thì ông Nghiệp lại cùng 173 anh em ngư dân dong tàu ra Hoàng Sa...
Những ngày phóng viên NTNN sống ở trên tàu QNa 90747 là những ngày ông Nghiệp gần như kiệt sức. Có những hôm để tàu né tránh những cú đâm va chí mạng của tàu Trung Quốc, do là tay “lái lụa” nhất nên ông Nghiệp đã phải đích thân cầm lái liên tục đến 19 tiếng. Tranh thủ những lúc tàu thả trôi, tôi hỏi ông Nghiệp, khi đối mặt với sự liều lĩnh của những loại tàu Trung Quốc ông có sợ không?
Chẳng cần suy nghĩ, ông nói luôn: Không bao giờ phải sợ, từ xưa tới nay chúng tôi là những ngư dân không có điều kiện học cao hiểu rộng, nhưng đều biết được một điều rằng tà bất thắng chính. Tôi nghĩ chúng tôi đang bảo vệ sự chính nghĩa của quốc gia mình có việc gì mà phải sợ.
Tài sản lớn nhất của gia đình tôi là con tàu này, thứ quý giá nhất của vợ con tôi là tính mạng cuộc sống của tôi, còn đang hiện diện ở đây để cống hiến hết mình cho đất nước. Nếu mất vùng biển này thì những ngư dân như tôi biết đi đâu, làm gì? Chúng tôi đi đấu tranh với Trung Quốc để giữ ngư trường cho chúng tôi, cho con cháu mai sau, suy rộng ra là giữ tài sản cho đất nước... Do vậy nếu Tổ quốc cần chúng tôi sẽ cống hiến tất cả tài sản, sức khỏe và tính mạng của mình.
Bám biển đến giây phút cuối cùng
"Không chỉ chúng tôi mà cả con cháu chúng tôi cũng sẵn sàng ra biển bảo vệ, để giữ được ngư trường, giữ bằng được biển cả quê hương giống như cha ông chúng tôi đã từng làm, vì với miền Trung thì có biển mới làm giàu được”. Ông Nguyễn Đức Nghiệp
|
Trong những ngư dân đang có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng Hoàng Sa, có lẽ ông Nguyễn Đức Bình (xã Tam Hải huyện Núi Thành, Quảng Nam) là người lớn tuổi nhất, bởi năm nay ông đã 58 tuổi và có hơn 40 năm ăn gió gối sóng, đương đầu với cả trăm cơn bão quái ác rồi.
Ông là một tài công và cũng là một tay câu tay lưới siêu hạng. Ngồi cùng tôi trong lúc thả câu, ông Bình tâm sự: Đời tôi đã đi ngót 1.000 phiên biển, nhưng chưa lần nào phải đối đầu với sự liều lĩnh, manh động của những tàu Trung Quốc như thế này.
Tuổi này, đáng nhẽ tôi cũng đã đến lúc nghỉ ngơi vì 3 đứa con đã lập nghiệp ở thành phố và điều kiện kinh tế cũng không khó khăn, nhưng tôi thấy trong người mình vẫn còn mạnh và chuyến đi này cũng là trách nhiệm của công dân với chủ quyền biển đảo đất nước, nên tôi vẫn xung phong đi.
Tôi cùng những người con của biển sẽ bám biển đến những giây phút cuối cùng. Chẳng điều gì có thể cản trở những ngư dân chúng tôi làm chủ vùng biển của mình cả, nhất lại là những điều phi lý mà chính quyền Trung Quốc đang lộng hành thực hiện...