Dân Việt

Rừng thuốc quý của người Mã Liềng

Phan Phương 22/05/2014 06:40 GMT+7
Bao đời sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn, cuộc sống luôn dựa vào rừng nên người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) đã lưu giữ được hàng trăm loại cây thuốc Nam để chữa bệnh.
Trăm loài thảo dược

Có dịp đến các bản định cư của người Mã Liềng, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cả cánh rừng thuốc Nam của họ. Ngoài những loại cây thuốc trị các bệnh thông dụng như ngải cứu, tía tô, cam thảo đất..., già làng Cao Ké, một thầy lang của bản Kè, còn giới thiệu cho chúng tôi biết hàng trăm loại cây rừng khác mà theo ông đều là cây thuốc chữa bệnh.

Như một lương y thực thụ, già Ké chỉ từng loại cây và giải thích khá tỉ mỉ: Đây là cây “xót xàng súng” là cây chuyên chữa sỏi thận; còn loại cây có tên “cứng cạ”, “neo cơ” có cái cành khẳng khiu này chữa gan rất hiệu nghiệm... Cây dây leo có tên là “hoa mua” lá màu xanh giúp đàn ông “tăng lực”. Cây cỏ máu dùng cho phụ nữ sau sinh… “Rừng Trường Sơn là một kho thuốc khổng lồ” – già Ké tự hào khoe.

Già làng Cao Ké ở  bản Kè, xã Lâm Hóa đã trồng đủ các loại cây  thuốc Nam để chữa bệnh.
Già làng Cao Ké ở bản Kè, xã Lâm Hóa đã trồng đủ các loại cây thuốc Nam để chữa bệnh.

Theo già Ké, rừng cây thuốc Nam của người Mã Liềng đã nhiều lần chữa bệnh cho dân bản thoát khỏi cái chết, trong điều kiện thiếu và quá xa cơ sở y tế. Già Ké kể, mới đây nhất là trường hợp của Cao Thị Ban ở bản Kè bị bệnh gan nặng đã được ông chữa khỏi bằng cây thuốc Nam trong rừng. Một trường hợp khác là anh Phạm Văn Ba từ dưới xuôi lên đi rừng bị rắn độc cắn, dân bản phát hiện kịp thời đã đưa đến cho già Ké dùng cây thuốc Nam từ rừng cứu sống được anh Ba...

Bảo tồn cho đời sau


Cộng đồng người Mã Liềng hiện có hơn 100 hộ với gần 500 khẩu. Trước đây, từng gia đình sống len lỏi trong rừng sâu của dãy Trường Sơn bằng việc săn bắt, hái lượm. Những năm 90 của thế kỷ trước, theo vận động của Nhà nước, người Mã Liềng đã về định canh, định cư ở các bản Kè, Cáo, Chuối của xã Lâm Hóa…

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao 700ha đất cho người Mã Liềng để khoanh vùng trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD), người Mã Liềng đã bảo vệ và trồng cây thuốc nam trên mảnh đất này.

Ông Châu Văn Huệ - Phó Giám đốc CIRD cho biết: “Trung tâm đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và bà con dân bản khảo sát, thống kê lại những loài cây thuốc Nam trong rừng, qua đó giúp bà con bảo vệ và phát triển thêm”. Bên cạnh đó, CIRD còn tổ chức cho người Mã Liềng thường xuyên học hỏi, giao lưu với những cộng đồng sống lân cận khác để bổ sung tri thức về cây thuốc Nam, làm cho kho tàng về cây thuốc Nam của họ ngày càng phong phú hơn.

Theo ông Huệ, với người Mã Liềng rừng là văn hóa, là không gian sinh tồn. Họ hòa mình vào thiên nhiên với từng gốc cây, ngọn cỏ, và cây thuốc Nam đi vào đời sống của người Mã Liềng như minh chứng cho mối quan hệ tương hỗ hài hòa giữa con người và tự nhiên. Thế nên việc bảo tồn và phát huy cây thuốc Nam trong cộng đồng người Mã Liềng không phải là chuyện khó.