Tác giả Hà Anh Tuấn viết rằng:
“Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thực hiện mọi nỗ lực để thuyết phục thế giới rằng, Trung Quốc đã phát triển một cách hòa bình. Thuật ngữ "trỗi dậy hòa bình" lần đầu tiên được sử dụng vào đầu năm 2003, khi Zheng Bijian, Phó Hiệu trưởng của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Sau đó thuật ngữ này lại được các nhà lãnh đạo Trung Quốc, như Thủ tướng Ôn Gia Bảo, sử dụng trong các bối cảnh quan hệ quốc tế khác nhau.
Tàu Trung Quốc
Năm 2004, thuật ngữ "sự trỗi dậy hòa bình" được thay thế bằng "phát triển hòa bình" với các nguyên tắc chính là Trung Quốc sẽ không tìm kiếm quyền bá chủ, tăng trưởng kinh tế và quân sự để đặt ra mối đe dọa cho hòa bình và ổn định khu vực và quốc tế, đồng thời các nước khác sẽ được hưởng lợi từ sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Để cho tầm nhìn này trở thành hiện thực, Bắc Kinh đánh giá cao vai trò của quyền lực mềm và cho rằng việc thúc đẩy quan hệ tốt với các nước láng giềng sẽ nâng cao hơn uy tín và sức mạnh của Trung Quốc.
Và như vậy, thuật ngữ “trỗi dậy hòa bình” nhấn mạnh đến yếu tố “hợp tác” đối với các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, bao gồm cả các tranh chấp hàng hải khác nhau ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc.
Nhưng có một lý do để xuất hiện lý thuyết “trỗi dậy hòa bình”, đó là để chống lại bất cứ ai nhìn thấy Trung Quốc như một mối đe dọa.
Nói rộng rãi ra, khái niệm "Trung Quốc đe dọa" cho rằng, tăng trưởng kinh tế bền vững của Bắc Kinh sẽ cho phép họ đầu tư vào việc mở rộng quân sự và hiện đại hóa. Khả năng sức mạnh đang lên của Trung Quốc sẽ thay đổi cán cân trong khu vực và quốc tế theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, đe dọa lợi ích và an ninh của các quốc gia khác.
Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng, khái niệm “Trung Quốc đe dọa” này đang được Mỹ hết sức lưu tâm, như một phần trong chiến lược của Washington để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Từ năm 2007, các sự kiện diễn ra trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chứng minh rằng lý thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc đã vô tình được hình thành từ chính Trung Quốc, thể hiện qua việc Bắc Kinh đã và đang ngày càng có nhiều tiếp cận đối với các nước láng giềng khác nhau. Tàu hải giám của Trung Quốc đã được tung ra trong việc thực thi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông (EAS) và Biển Đông.
Những tàu này đã tấn công tàu cá Đông Nam Á trong vùng biển đánh bắt cá truyền thống của họ, quấy nhiễu tàu hải quân Mỹ khi hoạt động trong vùng nước trong ở EAS và Biển Đông…
Và trong rất nhiều trường hợp tàu đánh cá Trung Quốc đã bị các cơ quan nước ngoài kiểm tra và bị buộc tội đánh bắt trái phép.
Bắc Kinh cũng đã có những động thái khác nhau để thách thức hiện trạng trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong năm 2009, Trung Quốc lần đầu tiên đơn phương chính thức thông báo về cái gọi là “đường chín đoạn”, tuyên bố 80% diện tích ở Biển Đông là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Trong năm 2012, Trung Quốc đã phái nhiều tàu để thách thức sự hiện diện của Philippines tại bãi cạn Scarborough và cuối cùng nắm được quyền kiểm soát hòn đảo này. Cũng trong năm đó, Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và đóng một đơn vị đồn trú quân sự để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Từ năm 2011, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mở rộng phạm vi hoạt động xa hơn về phía nam, vẽ ra những dự án hợp tác quốc tế khai thác dầu trong khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).
Một trong những sự cố nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây, đó là ngày 2.5 vừa qua, Trung Quốc đã chuyển một giàn khoan dầu khổng lồ có tên Hải Dương 981 (
Haiyang Shiyou - 981) đến vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam để khai thác trái phép.
Để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 (
Haiyang Shiyou - 981) này, trước sự xua đuổi của các tàu chấp pháp của Việt Nam, nhiều tàu của Trung Quốc, bao gồm một số tàu chiến đã được cử đến khu vực. Tàu Trung Quốc cố tình đâm tàu Việt Nam khi lực lượng chấp pháp của Việt Nam cố gắng tiếp cận giàn khoan. Những hành động này đã dẫn đến tình hình trên Biển Đông rất nguy hiểm, nguy cơ những căng thẳng giữa hai nước sẽ còn leo thang hơn nữa.
Hành vi của Trung Quốc chỉ có thể chứng minh rằng lý thuyết "sự trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc dường như đã chết. Sự quyết đoán và gây hấn của Bắc Kinh đã khiến các nước láng giềng phải đề phòng tránh xa.
Chỉ còn cách tôn trọng hòa bình trong khu vực và quốc tế, an ninh hàng hải và luật pháp quốc tế, mới có thể làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực và duy trì được sự phát triển lâu dài của Trung Quốc.