Nhiều thí sinh “trúng tủ” môn vănEm Nguyễn Thu Trang – học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: “Ban đầu em rất lo lắng với đề thi đọc hiểu. Tuy nhiên, khi đọc đề thi, đoạn văn bản có nêu đến vấn đề giàn khoan Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, em rất hào hứng. Bạn nào cũng xác định được đây là phong cách ngôn ngữ báo chí vì nó rất quen thuộc, xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây”. Trang cho biết, với đề văn này, bài làm của em có thể đạt 7 điểm.
Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành môn vật lý tại hội đồng thi Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội).
Em Trần Trọng Hoàng - thí sinh hội đồng thi Trường THPT Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Chủ đề biển đảo đã được giáo viên nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong khi ôn tập, ai cũng đoán đề thi sẽ cũng có vấn đề này nên khi đọc đề các bạn đều rất vui vẻ vì trúng tủ”. Cũng theo Hoàng, câu 3 với yêu cầu “bày tỏ thái độ về sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan xâm phạm biển đảo”, em làm rất nhanh và hào hứng. Thầy Nguyễn Văn Cường - giáo viên dạy văn tại TP.Thái Bình cho rằng: “Đề thi năm nay rất gần gũi, có tính thời sự cao, phần đọc hiểu 3 điểm gần như đều “trúng tủ” với hầu hết thí sinh. Phần làm văn 7 điểm nhẹ nhàng và có tính triết lý, thí sinh có thể bày tỏ quan điểm một cách thoải mái. Đây đúng tính chất là một đề thi mở. Nếu có sự hiểu biết xã hội, hiểu tác phẩm học sinh dễ dàng làm được 8 điểm”.
Cô Nguyễn Thị Kim Liên – giáo viên tổ Văn Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết: “Nội dung chính của phần làm văn cũng không có gì khó, chỉ là khơi gợi khát vọng sống thật với chính mình, con người cần được sống là chính mình. Tuy nhiên, cái lạ của đề văn năm nay là “tích hợp” phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội trong một câu nên thí sinh không có sự lựa chọn đề tài nào giữa nghị luận xã hội và nghị luận văn học; đó là chưa kể năm nay một kịch bản văn học lại được đưa vào đề thi”.
Môn sử đề cập việc bảo vệ chủ quyền biển đảo
Đề thi môn lịch sử có yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi: “Tại sao Liên Hợp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay. Em Nguyễn Văn Chung – thí sinh tại hội đồng thi Trường THPT Vân Nội (Đông Anh. Hà Nội) cho biết: “Đề sử năm nay khá nhẹ nhàng về kiến thức, ít đòi hỏi về số liệu nên em làm khá tốt. Riêng câu hỏi về chủ quyền biển đảo cũng có trong kế hoạch ôn tập của các thầy cô trên lớp nên em không bất ngờ. Em không hề hối hận khi chọn sử để thi năm nay mặc dù khối thi ĐH của em là A”.
Cô Bùi Thị Nhung – giáo viên sử trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng, đề thi sử năm nay rất hay, kiến thức nhẹ nhàng nhưng có khả năng phân loại học sinh. Đề thi năm nay không có phần tự chọn, thay vào đó là câu hỏi mang tính lý luận gợi mở, cập nhật kiến thức thời sự. Điều này đã giúp môn sử không còn khô khan như trước”. Đồng quan điểm, cô Hoàng Thị Đặng – giáo viên sử ở Yên Thế, Bắc Giang cho rằng, với việc thay đổi cách ra đề thi như năm nay, Bộ GDĐT đã khiến cho học sinh cảm thấy nhẹ nhàng hơn với việc thi cử.
“Oải” vì đề Lý dài Chiều 2.6, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi môn Vật lý với tâm trạng mệt mỏi vì căng thẳng với đề quá dài. Em Nguyễn Văn Phương ở Hội đồng thi Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đề lý 60 phút với 40 câu hỏi trắc nghiệm tương đối dài và khó so với đề thi các năm trước đó. Em chỉ làm được 60% đề bài chắc chắn, còn lại toàn… đoán mò. Thầy Nguyễn Văn Tình - giáo viên dạy lý tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nhận định: “Phần lý thuyết tương đối khó đối với học sinh có lực học trung bình. Học sinh phải làm cật lực mới có thể hoàn thành tốt và đủ thời gian cho bài thi”.
Tùng Anh
|
Quảng Nam:Tích cực hỗ trợ ăn ở, sức khỏe Ngày 2.6, ông Hà Thanh Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 này, toàn tỉnh có 20.645 thí sinh dự thi, trong đó có khá nhiều thí sinh DTTS. Kỳ thi năm nay mới và chọn môn, thi theo ca, nên các trường đã thành lập thêm nhiều phòng chờ cho các thí sinh thi ca 2 để các em nghỉ ngơi. Để hỗ trợ cho các thí sinh người DTTS, Sở đã kết hợp với từng địa phương, hội đồng thi tổ chức lo cho các em chỗ ăn, ở miễn phí ngay tại trường và đặc biệt là chăm sóc sức khỏe để các em thi tốt. Trương Hồng
|