Ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
17h20 cuộc họp báo kết thúc.PV: Ba lần Trung Quốc nói khác nhau về vị trí giàn khoan Hải Dương 981?Bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao: Đối với chúng tôi, nhiều lần đã nghe các bạn Trung Quốc giải thích khác nhau về yêu sách trên Biển Đông. Chúng tôi đã yêu cầu các bạn phải đưa ra cơ sở pháp lý cho yêu sách của mình.
Ông Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam: Dù giải thích thế nào thì vị trí giàn khoan đặt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 80 hải lý và vi phạm đến chủ quyền của Việt Nam theo Công ước luật biển Liên hợp quốc 1982.
PV Vnexpress: Liệu Việt Nam có biện pháp gì mạnh mẽ hơn hay không? Có tính đến biện pháp nếu Trung Quốc thành lập vùng nhận diện phòng không trên biển Đông hay không?Ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia: Biện pháp nào hơn nữa, Thủ tướng chúng ta đã trả lời ở Philippines rồi. Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền của nước ta bằng mọi biện pháp hòa bình. Nhưng nếu bị tấn công chúng ta cũng sẽ phải tự vệ. Vì vậy chúng ta phải bằng mọi biện pháp có thể để bảo vệ chủ quyền của mình.
PV Dân Trí: Từ đầu tháng 5 đã có 20 cuộc tiếp xúc giữa hai bên nhưng phía TQ vẫn leo thang tại khu vực giàn khoan. Thủ tướng cũng khẳng định không đánh đổi lấy hữu nghị viển vông. Liệu đây có phải giới hạn chịu đựng của Việt Nam hay không? Ông có bình luận gì về "16 chữ vàng" giữa Việt Nam và Trung Quốc.Ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia: Chủ quyền lãnh thổ là hết sức thiêng liêng, không gì đánh đổi được. Vàng rất quý nhưng độc lập tự do và chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng.
PV hãng thông tấn của Nhật Bản: Gần đây Trung Quốc thông báo sẽ dừng một số hoạt động giao lưu với Việt Nam, điều này có tác động đến Việt Nam hay không? Việt Nam có dự đoán về trữ lượng dầu khí tại khu vực này hay không, bởi số liệu Trung Quốc hay Mỹ đưa ra rất vênh nhau?Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia: Cho đến nay mọi hoạt động giao lưu giữa Trung Quốc và Việt Nam chưa có gì dừng lại cả, không có gì ảnh hưởng đến hoạt động của Việt Nam cả.
Đỗ Văn Hậu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam: Nếu nói toàn bộ khu vực Biển Đông các nước xung quanh đã có đánh giá. Trong khu vực Việt Nam, chúng tôi đã có đánh giá dự kiến khoảng 4 – 6 tỷ tấn, ngoài khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam chúng tôi cũng có đánh giá. Nhưng chúng tôi không tin các con số do Trung Quốc hay Mỹ đánh giá.
Ở khu vực giữa Biển Đông nhiều người đánh giá có nguồn dầu khí lớn nhưng chúng tôi không lạc quan vậy. Như chúng tôi đã nói tại vị trí Trung Quốc đang đặt giàn khoan, chúng tôi đã có nghiên cứu nhưng chưa tiến hành khoan nên chưa khẳng định có nguồn dầu khí hay không. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá triển vọng ở đây là không lớn.
PV: Trung Quốc cáo buộc Việt Nam gây hấn, khiêu khích? ASEAN mới chỉ có một tuyên bố chung tại Hội nghị cấp cao 24 vừa qua, sắp tới Việt Nam sẽ làm gì để tranh thủ ủng hộ của ASEAN trong vấn đề này?Ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam: Trong họp báo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc phía Việt Nam khiêu khích sử dụng các tàu hoạt động trên biển đâm va vào tàu Trung Quốc. Đây là thông tin hết sức sai lệch, mang tính vu cáo, chúng tôi hoàn toàn bác bỏ.
Trên biển, ngày 20.5, cao điểm Trung Quốc sử dụng đến 120 lượt tàu bảo vệ giàn khoan. Các hoạt động của phía Trung Quốc là sử dụng súng phun nước công suất lớn, máy phát tạo ra sóng âm tần gây khó chịu, ảnh hưởng thính giác xung quanh khu vực 100m, sử dụng đèn pha công suất lớn để tác động lên các tàu Việt Nam.
Đặc biệt tiếp tục sử dụng biện pháp đâm va các tàu Việt Nam trên biển. Việt Nam hoàn toàn không sử dụng các công cụ trên tàu để đáp trả, chúng tôi chỉ sử dụng loa tuyên truyền và các biểu ngữ để yêu cầu tàu bảo vệ giàn khoan rút khỏi.
Thực tế, tàu Việt Nam đã bị đâm va trên 20 lần, có tàu bị đâm va 3 – 4 lần. Những hình ảnh vừa qua đã minh chứng cho điều đó.
Chúng tôi khẳng định không tấn công, khiêu khích.
Ông Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam: Trong Hội nghị cấp cao 24, các diễn biến phức tạp liên quan đến vụ việc giàn khoan Hải Dương 981, các văn kiện cấp cao của hội nghị đã nhắc đến vấn đề này. Sau hơn 20 năm, tuyên bố chung của hội nghị cấp cao ASEAN đã có nhắc đến vấn đề Biển Đông.
Thời gian qua, trên các diễn đàn quốc tế, các lãnh đạo của Việt Nam cũng đã nhắc đến vụ việc hiện nay phù hợp với diễn đàn, bối cảnh. Chúng ta cũng thấy các nước ASEAN khác cũng đã đưa ra tuyên bố riêng của mình, hầu hết đều cho rằng hai bên không sử dụng biện pháp vũ lực để giải quyết. Công luận quốc tế cũng đã ủng hộ các biện pháp hòa bình đang được Việt Nam theo đuổi.
PV báo Tuổi Trẻ: Một báo Nga đã đưa ra những thông tin không khách quan về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, ông có bình luận gì về vấn đề này? Trung Quốc đã đưa công nhân về nước và bóp méo tình hình an ninh trật tự tại Việt Nam, cụ thể tình hình hiện nay như thế nào?Ông Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam: Đây là bài báo thể hiện ý kiến cá nhân với góc nhìn hết sức xuyên tạc, sai trái. Chúng tôi đã làm việc với Đại sứ quán Nga và được biết đây chỉ là ý kiến cá nhân của phóng viên viết bài báo này.
Những vụ việc gây rối vừa qua tại một số địa phương của Việt Nam là hết sức đáng tiếc. Tình hình trật tự an toàn xã hội, sản xuất kinh doanh tại các địa phương đã trở lại ổn định. Hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ làm mọi biện pháp để đảm bảo an ninh, đảm bảo các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, sản xuất ổn định tại Việt Nam và cam kết không để tái diễn những sự việc đáng tiếc vừa qua.
Phó Đại sứ Australia: Đến nay giàn khoan Hải Dương 981 đã hoạt động được 3 tuần, phía Việt Nam đã có bằng chứng về giàn khoan sẽ hoạt động khoan thăm dò tại vùng biển đó chưa? Thỏa thuận giữa hai bên kiềm chế không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp?Ông Đỗ Văn Hậu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam: Câu hỏi này khó trả lời vì theo quy trình định vị và các công tác chuẩn bị khoan bình thường thì thời gian đã đủ để khoan. Tuy nhiên, phía Việt Nam chưa tiếp cận được nên chưa khẳng định được giàn khoan đã khoan hay chưa.
Ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia: Trong cuộc gặp giữa hai Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phía Việt Nam đã yêu cầu kiên quyết Trung Quốc rút giàn khoan và hai bên trao đổi tình hình, tìm biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc khước từ thiện chí đó của Việt Nam. Họ đưa ra nhiều luận điệu sai trái về quyền chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Hai bên cũng thống nhất không sử dụng các biện pháp vũ lực để giải quyết vì không phù hợp với luật pháp quốc tế.
PV Đài tiếng nói Việt Nam: Trung Quốc đưa thông tin giàn khoan cách đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) 17 hải lý còn cách Việt Nam gần 120 hải lý. Trung Quốc cũng cho rằng Việt Nam sử dụng tàu vũ trang còn Trung Quốc chỉ điều tàu quân sự đến khu vực. Ý kiến của phía Việt Nam về vấn đề này?Ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia: Tôi bác bỏ ý kiến của Trung Quốc vì khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn nằm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đảo Tri Tôn chỉ là bãi đá, dù thế nào theo luật pháp quốc tế cũng không thể coi là có vùng đặc quyền kinh tế.
Điểm giàn khoan cách đảo Tri Tôn 17 hải lý. Chưa kể, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý về việc quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Vì vậy, có thể khẳng định dù ở phương diện nào việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 đều đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
>> XEM THÊM: Cách ký tên ủng hộ kiến nghị trừng phạt Trung Quốc trên website Nhà TrắngÔng Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam
Ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam: Phía Trung Quốc đã đưa các tàu chiến đấu, tàu chấp pháp, tàu dịch vụ đến bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981. Trung Quốc có 5 loại tàu chiến: tàu vận tải đồ bộ khoảng 17.000 tấn có 8 ống phóng tên lửa; tàu hộ vệ tên lửa; tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh; tàu tuần tiễu săn ngầm; tàu khu trục tên lửa.
Trung Quốc đã điều 9 lượt các tàu kể trên. Phía Việt Nam đưa ra số lượng hạn chế các tàu thực thi pháp luật của Cảnh sát biển, Kiểm ngư. Việt Nam hoàn toàn không có tàu chiến trên khu vực này. Phóng viên quốc tế có mặt trên vùng biển này cũng đã chứng kiến.
PV: Thông tin Trung Quốc đưa quân đến sát biên giới Việt Nam có đúng không?Ông Trần Duy Hải,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia: Các hoạt động giao thương, giao lưu trên biên giới Việt-Trung vẫn diễn ra bình thường. Thông tin kể trên là chưa chính xác. Trong cuộc gặp giữa hai Thứ trưởng ngoại giao vừa rồi, hai bên đã nhất trí không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng.
16h32’,
Phóng viên báo điện tử Dân Việt đặt câu hỏi về khả năng Việt Nam có thể sẽ sử dụng hành động pháp lý trước tình hình hiện tại.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, cho biết: Việt Nam với tư cách một quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc và Công ước luật Biển có quyền sử dụng mọi quy chế quy định của Liên Hợp quốc và Công ước luật Biển để giải quyết những việc liên quan đến mình. Trong đó quy định có thể sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình, trong đó có cơ quan tài phán quốc tế. Việc này tốt hơn sử dụng biện pháp vũ trang.
Lãnh đạo Việt Nam cũng khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền của mình. Vì vậy Bộ Ngoại giao cũng chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho hoạt động này.
16h27’, cuộc họp báo bước sang phần hỏi - đáp.16h15,
ông Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bắt đầu trình bày về các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam
Ông Đỗ Văn Hậu cho biết: Việt Nam đã bắt đầu tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí từ những năm 1950 – 1960. Phía Việt Nam Cộng hòa cũng đã ký với một số công ty của nước ngoài khảo sát toàn bộ ngoài khơi ở phía bắc miền Trung Việt Nam bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa.
Từ 1975, chúng tôi triển khai toàn bộ các hoạt động dầu khí trên phần lãnh thổ của Việt Nam bao gồm cả bể Hoàng Sa, bể Tư Chính Vũng Mây. Chúng tôi đã ký 99 hợp đồng dầu khí với các công ty nước ngoài, trong đó trên 60 hợp đồng còn hạn. Hiện nay trên 30 mỏ dầu khí trên khu vực thềm lục địa của Việt Nam đang được khai thác. Chúng tôi khẳng định: Tất cả các hoạt động của Tập đoàn đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Khu vực mà phía Trung Quốc nói tranh chấp chúng tôi gọi là khu vực bãi Tư Chính Vũng Mây, bể Hoàng Sa và khu vực miền Trung Việt Nam. Nói về khu vực Hoàng Sa từ trước 1975 phía chính quyền miền nam Việt Nam đã khảo sát, chúng tôi sau này cũng đã tiến hành khảo sát.
Toàn bộ khu vực Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan là khu vực chúng tôi vừa khảo sát địa chất xong, nằm ở khu vực lô 144 – 145. Toàn bộ hoạt động ở khu vực đông bắc Hoàng Sa chúng tôi vẫn tiếp tục tiến hành.
Trước đây, Trung Quốc còn gọi thầu 9 lô dầu khí thuộc khu vực biển miền Trung Việt Nam nhưng đến nay chúng tôi vẫn tiến hành bình thường, không có công ty nào của quốc tế hợp tác với Trung Quốc. Các hoạt động của Tập đoàn dầu khí Việt Nam phối hợp với các công ty nước ngoài hoàn toàn phù hợp với quy định luật pháp quốc tế và Việt Nam. Các hoạt động này hoàn toàn công khai, không hề có phản đối nào.
Chúng tôi cực lực phản đối các hoạt động sai trái của phía Trung Quốc, đặc biệt là việc gần đây Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
16h10, ông Hải khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa. Từ nhiều thế kỷ nay, các triều đại phong kiến Việt Nam đã khẳng định chủ quyền một cách hòa bình, liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa.
Chủ quyền đối với hai quần đảo này cũng được khẳng định tại hội nghị San Francisco (Mỹ) về chủ quyền biển đảo của các quốc gia sau chiến tranh thế giới lần thứ hai năm 1951. Phía Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và không gặp phải bất cứ phản đối nào.
Sau hiệp định Geneva, phía Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục quản lý hai quần đảo trên. Năm 1974 phía Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, việc xâm lược không thể đem lại chủ quyền theo quy định luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc nói có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là không có cơ sở pháp lý.
Gần đây, phía Trung Quốc viện dẫn sai công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nội dung công hàm chỉ tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải 12 hải lý chứ không khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Nội dung cũng không khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với hai quần đảo.
Trung Quốc cho rằng Việt Nam phân lô 57 lô đầu khí và đặt nhiều giàn khoan tại vùng tranh chấp. Tôi bác bỏ quan điểm này vì Trung Quốc không đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho luận điệu của họ. Tất cả các hành động của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đều phù hợp với quy định của quốc tế. Việt Nam từ trước đến nay đều được quản lý khai thác hiệu quả. Trung Quốc ý đồ muốn hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Chúng tôi quyết tâm bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc.
16h07: BTC buổi họp báo phát một video clip bằng tiếng Anh, trong đó có những bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
>> CLIP: Bộ Ngoại Giao công bố video những tư liệu khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam16h05: Ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết: Trong thời gian qua, bất chấp giao tiếp rất nghiêm túc của Việt Nam, phía Trung Quốc vẫn không chấm dứt vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật biển của Liên Hiệp quốc 1982.
Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và toàn bộ các tàu thuyền đang có mặt tại vùng biển của Việt Nam. Đáp lại thiện chí của Việt Nam, phía Trung Quốc đã không đáp ứng mà còn đưa ra nhiều thông tin sai lệch về hành động của họ. Ông Hải bác bỏ những thông tin sai trái của phía Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa.
16h00: Ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bắt đầu buổi họp báo. Ông Bình thông báo tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi Việt Nam luôn kiềm chế, dùng mọi kênh đối thoại, các biện pháp hòa bình thì Trung Quốc hung hăng, ngoan cố còn đổ lỗi, vu khống cho phía Việt Nam. Ông Bình khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chương trình họp báo sắp bắt đầu. Tại buổi họp báo, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia sẽ trình bày về cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ông Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ trình bày quá trình thăm dò, khai thác dầu khí từ trước đến nay của Việt Nam.
15h50: Phòng họp báo đã chật kín, nhiều phóng viên đến muộn đã không còn chỗ ngồi.
Thông tin về Họp báo quốc tế về tình hình Biển ĐôngChủ trì buổi họp báo là ông Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam. Về phía đại diện Việt Nam còn có bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, ông Đỗ Văn Hậu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Tham gia buổi họp báo quốc tế chiều nay, ngoài đại diện của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước còn có sự hiện diện của đại diện các Đại sứ quán, Lãnh sự quán các quốc gia, vùng lãnh thổ tại Hà Nội.
Từ ngày 1.5 Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phía Việt Nam đã hết sức kiềm chế, kiên trì thông qua đối thoại, tránh xung đột, đồng thời kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống khỏi khu vực. Việt Nam khẳng định đây là hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa ổn định, an toàn trên biển, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982. Tuy nhiên, đáp lại phía Trung Quốc đã điều động cả tàu quân sự, máy bay sử dụng súng phun nước áp lực mạnh, dùng tàu đâm va vào các tàu chấp pháp của Việt Nam. |