Không mang tính khả thiTheo bản quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì việc chia vùng Bắc Bộ (gồm 24 tỉnh/thành phố thuộc các vùng trung du - miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng Sông Hồng và duyên hải Đông Bắc) đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều đại biểu.
Theo ý kiến của đại tá Nguyễn Phương Diện- Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng), việc phân chia vùng trong dự án quy hoạch không hợp lý, cụ thể, trong phân chia vùng Bắc Bộ nhưng lại đưa cả vùng phía đông vào vùng Tây Bắc, không phù hợp. Bởi mỗi vùng miền đều có tiêu chí khác nhau, có tập quán, sắc thái văn hóa khác nhau.
Bộ VHTTDL đang chuẩn bị cho một đề án quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2030.
“Trên thực tế, khu vực phía Bắc là vùng rộng lớn, có nhiều sắc thái nghệ thuật dân gian, phong phú và đa dạng. Trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo của khối ngôn ngữ dân tộc Mường, Tày, Thái, Mông, Dao… nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đồng bào ở các dân tộc này còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, về lối ứng xử văn hóa”- đại tá Nguyễn Phương Diện cho biết.
Ông Mai Tư- Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cũng cho rằng, đề án quy hoạch tầm nhìn 2020 về cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật, xây dựng một số nhà hát đạt chuẩn quốc tế và là điểm đến, biểu tượng của một số tỉnh, thành phố không mang tính khả thi. Các nhà hát này phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về mặt kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, hình ảnh và các kỹ xảo khác của các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong nhà và ngoài trời. Ông Mai Tư khẳng định: Nâng cấp tổng số lượng nhà hát và xây dựng mới lên 71 nhà hát, trong đó xây mới 51 nhà hát và nâng cấp 20 nhà hát là quá tốn kém, không hề có tính khả thi.
Đồng quan điểm này, ông Hoàng Minh Thái- Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTTDL cho biết: “Tôi cũng cho rằng, chúng ta không nên vội vàng xây dựng luật, và khi xây dựng đề án quy hoạch không nên lý tưởng hóa, xa rời thực tế với những quy hoạch kiểu như xây dựng những 71 nhà hát, trong đó nâng cấp 21 nhà hát. Tôi thấy hơi “hãi” quá dù rất lý tưởng. Cần xem lại tính khả thi của đề án quy hoạch, bởi chúng ta còn sống đến 10 năm, 20 năm nữa, khi chúng ta ngồi lại mà chưa làm được những gì chúng ta đã đề ra thì rất buồn”.
Còn nhầm lẫn, sai sótĐại diện Sở VHTTDL Phú Thọ phát biểu: “Quy hoạch này theo tôi có sự bất hợp lý bởi vì với những vùng phát triển công nghệ biểu diễn tại thành phố, đô thị thì xã hội hóa được chứ ở nông thôn làm sao mà tiến hành xã hội hóa. Ngoài ra mỗi tỉnh có nét văn hóa riêng, chính sách, chế độ khác nhau, chúng ta không nên ghép mà cần xem xét nghiên cứu kỹ về việc phần vùng phát triển nghệ thuật biểu diễn”.
Ông Nguyễn Quốc Chiêm- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội: “Tại mục thứ 8 về thi người đẹp, người mẫu, trình diễn thời trang, xây dựng TP.HCM thành trung tâm trình diễn thời trang hàng đầu cả nước, theo tôi, việc này cần cân nhắc, bởi Hà Nội cũng là nơi có gu thời trang, thẩm mỹ, trung tâm thời trang hàng đầu của cả nước”.
|
Không chỉ bất cập về tính khả thi và phân chia vùng, đề án quy hoạch còn nhiều sai sót và nhầm lẫn và không cập nhật kịp thời mà Đại tá Nguyễn Phương Diện- Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Bộ Quốc phòng, đã chỉ ra. Trong dự án quy hoạch chưa cập nhật hết các tỉnh thành trong nước.
Việt Nam sau khi chia cắt đã có 63 tỉnh thành, thì trong đề án chỉ có 57 tỉnh thành, như vậy còn thiếu 6 tỉnh, có những tỉnh như tỉnh Phú Khánh đã được chia thành Phú Yên, Khánh Hòa… Ông cũng cho rằng, những chính sách trong đề án còn chung chung, chưa cụ thể, mà với nghệ thuật biểu diễn thì đây là một loại hình nghệ thuật đặc thù.
Ông Trần Hữu Sơn- Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai chia sẻ, văn hóa là một loại hình đặc thù, nên trong chế độ chính sách cũng phải dựa theo tính đặc thù của loại hình này. “Tôi đã 12 năm làm Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai, nhưng chính sách nghỉ hưu cho các nữ nghệ sĩ vẫn vậy, dù già rồi nhưng họ vẫn phải lên sân khấu biểu diễn, điều bất hợp lý này vẫn chưa thể thay đổi.
Vì vậy tính đặc thù của nghệ thuật sẽ chi phối rất nhiều về vùng miền, công việc, thậm chí kể cả chính sách, chế độ đãi ngộ người nghệ sĩ. Trong đào tạo, giáo dục nghệ thuật tính đặc thù cực kỳ quan trọng, bởi từ người nghệ sĩ bước sang quản lý phải biết cách sử dụng người, hoạch định cho đoàn của mình, nếu không sẽ rất loay hoay và khổ sở trong cách quản lý”.
Những ý kiến đóng góp cho dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ được Bộ VHTTDL tiếp thu và tiếp tục chỉnh sửa. Ngày 22.5, một cuộc hội thảo tương tự sẽ được tổ chức tại TP.HCM.