Trong hai ngày 6 và 7-11, đoàn công tác của Quốc hội (QH) do ông Đặng Vũ Minh - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn đã giám sát Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và Dự án Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông).
Khó xảy ra tràn hồ, vỡ đập
Báo cáo với đoàn, đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV) cho biết, giải pháp chống thấm cho hồ bùn đỏ gồm 3 lớp: Lớp thoát nước, lớp chống thấm và lớp đệm. Lớp chống thấm sử dụng màng polyetylen mật độ cao dày 2mm. Giải pháp chống tràn và bảo vệ cho hồ chịu được động đất đến cấp 7 (dự báo địa chất chỉ cấp 5).
Đại tá Bùi Quang Tiến - Tổng Giám đốc CTCP Alumin Nhân Cơ thuyết trình kỹ thuật xây dựng hồ bùn đỏ với đoàn công tác của Quốc hội |
Toàn bộ nước hồ được tuần hoàn sử dụng lại cho nhà máy alumin. Trong lòng hồ được thiết kế thành nhiều khoang nhỏ, bùn sẽ chứa đầy khoang đầu rồi tuần tự sang các khoang tiếp theo. Thời gian đó đủ để các khoang tháo khô nên loại trừ được khả năng vỡ dây chuyền các khoang. Khi bùn đỏ chứa đầy các khoang thì mặt hồ vẫn thấp hơn mặt bằng nhà máy khoảng 2m, độ dày của lớp bùn chỉ từ 10-12m nên rất khó xảy ra tràn hồ, vỡ đập.
Về vấn đề lũ quét, ông Nguyễn Tiến - Viện trưởng Viện Thủy lợi, cho rằng đã được tính toán rất kỹ lưỡng. Nếu các hồ được thiết kế đúng kỹ thuật sẽ hoàn toàn yên tâm được. Theo ông Tiến, khi có mưa, nước tràn vào các hồ này rất ít vì địa hình xây dựng hồ khá bằng phẳng. Các hồ đều được xây dựng đường phân thủy và các đài thu nước đưa nước ra ngoài. Hơn nữa, cả hai hồ bùn đỏ ở Tân Rai và Nhân Cơ đều được xây dựng giữa những khu đồi bát úp nên khả năng tràn ra ngoài là không thể.
Tuy nhiên, TKV cũng thống nhất phương án của Bộ TN&MT, bổ sung thêm đập phía hạ nguồn cho dự án Tân Rai, để đảm bảo không xảy ra sự cố như ở Hungary. Ông Dương Văn Hòa - Phó Tổng Giám đốc TKV, khẳng định: “Hồ bùn đỏ của hai dự án bảo đảm an toàn. Đơn vị nhận thức rõ tác hại to lớn của nó nên sẽ làm nghiêm túc”.
Không thể chủ quan
Ngoài các vấn đề về môi trường, ông Đặng Vũ Minh đặt ra hai câu hỏi liên quan đến lợi nhuận của dự án. Ông Dương Quang Hòa cho biết, sau khi trừ tất cả các chi phí, thuế, dự án vẫn thu lợi được 12%. Giá alumin trên thị trường thế giới hiện khoảng 340USD/tấn, trong khi đó chỉ cần bán được 333USD/tấn là đã hòa vốn.
Còn theo TS Nguyễn Chí Quang - Phó trưởng Ban Nhôm, (TKV), cho biết: Mặc dù, nhu cầu nhôm trên thị trường thế giới có vài dấu hiệu giảm nhưng nhu cầu alumin tăng là chắc chắn. Giá alumin đạt tăng từ 14- 20% (từ 450- 650 USD/tấn) là khá chắc chắn. Theo đại diện TKV, lợi nhuận của dự án cũng đã tính toán đầy đủ các chi phí về vận chuyển.
Riêng về công tác thẩm định, giám sát tác động môi trường, ông Mai Thế Toản - Cục phó Cục Thẩm định ĐTM, Bộ TN&MT cho biết, hội đồng thẩm định gồm 21 chuyên gia đã làm việc hết sức nghiêm túc. Một tổ giám sát kỹ thuật gồm 15 người chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ, môi trường, kết cấu công trình, địa chất, thủy văn… cũng sẽ hoạt động tích cực trong cả 3 giai đoạn: Chuẩn bị, quá trình khai thác và quá trình hoàn thổ của dự án.
Tuy nhiên, theo ông Toản ảnh hưởng của việc khai thác tài nguyên đến môi trường là hết sức nghiêm trọng, không thể chủ quan. Ông đề nghị Bộ Công Thương thành lập tổ giám sát riêng đối với hồ bùn đỏ. Bản thân chủ đầu tư cũng phải chủ động giám sát công trình, sớm lên phương án cải tạo phục hồi môi trường; đánh giá tác động môi trường trong quá trình khai thác.
Ông Đặng Vũ Minh cũng lưu ý chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật đã được thẩm định. Thời gian tới, chủ đầu tư cần phải đặc biệt chú ý giám sát khâu kỹ thuật thi công và các vấn đề về môi trường.
Duy Hậu