Dân Việt

Tâm sự của đại biểu Quốc hội trẻ tuổi nhất

08/04/2011 13:04 GMT+7
(Dân Việt) - Sinh năm 1983, Vi Thị Hương là đại biểu trẻ nhất của Quốc hội khoá XII. Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII, Dân Việt có cuộc trao đổi với nữ đại biểu tỉnh Điện Biên.

Năm 2007, chị trúng cử đại biểu Quốc hội và là đại biểu trẻ tuổi nhất Quốc hội khoá XII. Theo chị, vì sao khi đó cử tri tín nhiệm bầu cho chị?

- Đây là một câu hỏi rất khó đối với tôi, vì cử tri thì có rất nhiều, tôi không thể hỏi hết để biết vì sao cử tri bỏ phiếu bầu chọn cho tôi. Nhưng tôi nghĩ, tôi trúng cử vì tôi trẻ tuổi, là nữ, là người dân tộc thiểu số (chị Vi Thị Hương người dân tộc Lào - PV), được đào tạo và lớn lên trong môi trường học tập tập trung của trường dân tộc nội trú. Một lý do nữa phải nói đến là tôi được sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

img
Đại biểu Vi Thị Hương phát biểu tại một kỳ họp Quốc hội.

Theo chị, yếu tố người dân tộc thiểu số có phải là quan trọng trong cơ cấu đại biểu Quốc hội?

- Yếu tố người dân tộc thiểu số cũng là một yếu tố quan trọng trong cơ cấu đại biểu Quốc hội nhưng không phải là yếu tố quyết định.

Sau 4 năm làm đại biểu của nhân dân, chị đã làm được gì so với những cam kết trước dân?

- Những điều tôi làm được là rất ít so với những gì mà cử tri mong muốn ở một người đại biểu. Ở Quốc hội khóa XII tôi chủ yếu tham gia ý kiến xây dựng luật, đem ý kiến của cử tri vùng đồng bào dân tộc miền núi đến với Quốc hội... Tuy nhiên, tôi cho rằng những điều tôi làm được chưa thực sự đáng kể.

Xin hỏi sâu về công việc của một đại biểu Quốc hội, trẻ tuổi có phải là một khó khăn cho đại biểu?

- Trẻ tuổi nghĩa là chưa có kinh nghiệm, chưa có thực tiễn nhiều nên có những vấn đề mình biết mà chưa mạnh dạn.

img Trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Tôi thông báo tổng hợp nhất nội dung kết quả kỳ họp, những dự án luật đã thông qua liên quan đến đối tượng cử tri mà tôi đến tiếp xúc, và những vấn đề cần xin ý kiến của cử tri vào các dự án luật trong kỳ họp sắp tới. img

Trước khi phát biểu xây dựng các dự án luật, chị có được các chuyên gia luật tư vấn?

- Qua công tác, tôi và các đồng nghiệp của tôi thấy có điều gì còn vướng mắc thì tôi tổng hợp lại, hỏi ý kiến các cô, các chú trong đoàn và những người tôi biết, rồi tham gia phát biểu...

Cử tri tỉnh Điện Biên thường quan tâm những vấn đề gì?

- Cử tri Điện Biên cũng như cử tri các tỉnh miền núi khác quan tâm là làm sao nhanh chóng xóa được đói, giảm được nghèo, Nhà nước có những chính sách để hỗ trợ người dân vươn lên làm giàu.

Chị cân đối thời gian giữa công việc của một đại biểu dân cử, một công chức nhà nước, và một người phụ nữ trong gia đình như thế nào?

- Tôi làm việc ở Tòa án huyện Điện Biên sau khi trúng cử. Thực sự làm một người đại biểu của nhân dân rất khó, dù là đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND. Thời gian đi làm, tôi tập trung cho công việc chuyên môn vì cơ quan tôi cũng khá nhiều việc. Đến tối về nhà tôi mới có thời gian nghiên cứu tài liệu của Quốc hội. Còn trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội, thì đương nhiên tôi tập trung thời gian cho công việc của đại biểu Quốc hội.

Chị sẽ tiếp tục tái cử vào Quốc hội khoá XIII?

- Tôi cũng được tổ chức, cơ quan quan tâm đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Nếu được cử tri tiếp tục tín nhiệm, tôi sẽ thực hiện tiếp chương trình hành động của mình là tham gia xây dựng các luật, xây dựng chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và thực hiện tốt các nhiệm vụ khác của đại biểu Quốc hội là giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Xin cảm ơn chị!