Đó là cách làm của Trung tâm Khuyến nông tự nguyện (CAEV).
Từ năm 2005 đến nay, bằng cách xây dựng các dự án dựa vào nhu cầu của người dân rồi kêu gọi hỗ trợ vốn từ các tổ chức quốc tế, CAEV đã xây dựng thành công hàng chục mô hình sản xuất, cải thiện sinh kế cho ND một số vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Thu nhập tăng
Mô hình nuôi bò sinh sản theo kỹ thuật của CAEV đang giúp nhiều hộ dân tộc Khmer ở ấp Trà Kim thoát nghèo. |
Vụ đậu phộng (lạc) đông xuân năm 2010, gia đình anh Kim Soi ở ấp Trà Kim, xã Thuận Hoà (Cầu Ngang, Trà Vinh) trồng 12 công đậu phộng cao sản giống MD7, thu về 120 triệu đồng. Gia đình anh Thạch Rịt Thi trồng 4 công cà chua vụ đông xuân năm 2011, hiện đã bán được 60 triệu đồng.
Chăn nuôi bò sinh sản cũng đang là mô hình giúp nhiều hộ dân trong ấp thoát nghèo, vươn lên khá giả. Anh Thạch Rịt Thi - Trưởng ấp Trà Kim cho biết: “Nhờ có kiến thức, kỹ năng, tổ chức sản xuất nông sản hàng hoá tốt, thu nhập bình quân đầu người từ 6,2 triệu đồng/người năm 2006 tăng lên 12,5 triệu đồng năm 2010. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo ở ấp Trà Kim giảm từ 239 hộ xuống còn 120 hộ theo tiêu chí mới”.
Cũng từ đề xuất của ND, từ năm 2008 đến nay, CAEV đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng chè chất lượng cao, quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa; nuôi lợn nái ngoại; nuôi ong lấy mật cho các nhóm ND sở thích của thôn Phúc Thành, xã Hoá Trung (Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
Với việc áp dụng phương pháp IPM, năng suất lúa tăng, giảm chi phí. Nhờ trồng các giống chè mới, cùng với đầu tư máy sao, giá trị chè thu hoạch tăng gấp đôi so với thời kỳ bán chè búp tươi. Thành công nhất là mô hình nuôi lợn nái ngoại và nuôi ong.
Từ ba hộ nuôi nái ngoại, đến nay trong thôn có 20 hộ tham gia nhóm hộ nuôi lợn nái ngoại. Tương tự, số hộ nuôi ong từ 5 hộ tăng lên 30 hộ với 120 đàn ong hiện nay...
Nông dân là người quyết định
Từ năm 2005 đến nay, CAEV đã xây dựng 17 mô hình khuyến nông có sự tham gia của ND. Nơi chọn xây dựng mô hình phần lớn là các thôn, ấp, bản, làng vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông I Tó Niê - Trưởng buôn Puăn A, xã Ê phê (Krông Păk, Đăk Lăk) thổ lộ: “Bà con trong buôn chọn cây cà phê ghép, cây bơ sáp, cây măng tre Bát độ yêu cầu hướng dẫn kỹ thuật. Cán bộ kỹ thuật của dự án phải ở buôn hàng chục ngày, hướng dẫn ngoài thực địa cho bà con. Ai cũng được thực hành, người biết nhiều hướng dẫn thêm cho người biết ít, nên lời cán bộ khuyến nông nói không rơi xuống đất được”.
Tại bản Pạc Ngam, Lủng Phạc và Cốc Chứ, xã Nậm Lư (Mường Khương, Lào Cai), cùng với tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng mây nếp, phục tráng lúa đặc sản Séng Cù, nuôi gà đen, lợn đen, giun quế, cán bộ khuyến nông của CAEV còn tổ chức các lớp xoá mù chữ cho thanh niên và trung niên, đặc biệt là phụ nữ.
Kỹ sư Phạm Thị Bình - chuyên viên CAEV chia sẻ: “Việc xoá mù chữ là để đưa chị em tham gia dự án. Quan điểm của CAEV, nơi nào thực hiện dự án khuyến nông mà không góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ coi như dự án chưa thành công...”.
GS-TS Bùi Quang Toản - Giám đốc CAEV chia sẻ: “Nếu mô hình khuyến nông xây dựng theo kiểu “ấn từ trên xuống”, dự án rút thì mô hình cũng chấm dứt. Cách làm của CAEV để cho người dân tự bàn bạc, chọn nuôi, trồng cây, con gì. CAEV chỉ tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng mô hình...”.
Phương Đông