Việc lùm xùm mấy ngày qua khi có một số doanh nghiệp xin trả hợp đồng ủy thác xuất khẩu gạo qua Philippines một lần nữa cho thấy hiệu quả kinh tế không cao và Việt Nam đã bị “hở sườn” trong vụ trúng thầu 800.000 tấn gạo này.
Trước hết, với việc không tìm hiểu kỹ đối thủ, Việt Nam đã bị Thái Lan “tung hỏa mù” khi cho rằng họ sẽ bằng mọi giá trúng gói thầu này để xả bớt hàng tồn. Từ đó Việt Nam đã đưa ra giá thầu thấp nhất có thể, tức chỉ cần hòa vốn, thậm chí chấp nhận lỗ chút đỉnh... Rốt cuộc Việt Nam đã đạt được ý nguyện.
Nhưng khi giá thầu được mở ra, doanh nghiệp Việt Nam mới té ngửa khi thấy chỉ có mình mới là bên thật sự mong muốn “bằng mọi giá trúng được gói thầu” khi mà giá thầu của các đối thủ cách xa mình tới hơn 30 USD/tấn. Và “đối thủ nặng ký nhất” mà Việt Nam tưởng là Thái Lan lại bỏ giá thầu chót vót 474,22 USD/tấn, thấp hơn có 3USD so với giá trần mà Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) đưa ra.
“Cơ hội vàng” để Việt Nam trở mình trong bối cảnh tình hình xuất khẩu gạo khó khăn từ đầu năm đến nay đã bị vuột mất từ việc không am hiểu đối thủ của những người “cầm trịch”.
Và sự “không hiểu” còn thể hiện ở việc bàn giao phương thức thực hiện hợp đồng cho những doanh nghiệp thành viên của mình theo kiểu “anh cả”, ấn những khó khăn cho “đàn em” của mình gánh hết trong khi trách nhiệm đó trước nay là thuộc về mình. Thế nên mới có chuyện một số “đàn em” không phục và trả lại hợp đồng.
Chúng ta cứ hỉ hả cười vui với nhau rằng việc trúng thầu 800.000 tấn gạo cung cấp cho Philippines giúp khai thông thị trường, giải tỏa bớt hàng hóa cho vụ đông xuân, nhất là những doanh nghiệp có mua tạm trữ và giúp giữ giá lúa cho bà con trong vụ hè thu. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp đã trả lại hợp đồng.
Còn với nông dân, cho đến giờ họ vẫn chưa thực sự được hưởng lợi gì hết từ gói trúng thầu 800.000 tấn gạo này. Bởi từ khi trúng gói thầu này vào ngày 15.4 đến nay giá gạo tăng lên 200 – 300 đồng/kg thật nhưng thời điểm này nông dân đã bán hết lúa.
Và khi có nhiều doanh nghiệp “bỏ chạy” khỏi hợp đồng Philippines thì tình hình thị trường đã bắt đầu “rối” lên. Để rồi tối qua, phóng viên NTNN nhận được tin nhắn từ thương lái ĐBSCL: “Giá lúa bắt đầu giảm từ 100 – 200 đồng/kg, trong khi giá gạo vẫn đứng yên”. Rốt cuộc, chỉ có nông dân là gánh hết!