Dân Việt

Tránh manh động trong bảo vệ chủ quyền

Ngọc Lương 21/05/2014 06:40 GMT+7
Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Sáng 20.5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế, đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam.

Tránh manh động

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc báo cáo phát triển kinh tế- xã hội trước QH sáng 20.5.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc báo cáo phát triển kinh tế- xã hội trước QH sáng 20.5.

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày cũng nêu rõ: “Trong bối cảnh phức tạp của tình hình Biển Đông, ở một số địa phương, đã có một số người có hành vi vi phạm pháp luật, manh động phá hoại cơ sở sản xuất, có cả cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt bình thường của người dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam”.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước tình hình bất ổn xảy ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành ở T.Ư và các địa phương khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi kích động, manh động và vi phạm pháp luật. “Sau nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị -xã hội cho đến nay đa số các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng trong đợt vừa qua đã quay lại sản xuất bình thường”- Phó Thủ tướng nói.

Kinh tế dần phục hồi

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với số đã báo cáo tại kỳ họp trước. Trong đó, tăng trưởng kinh tế xấp xỉ đạt kế hoạch khi đạt 5,42%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,04% - thấp nhất trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng, cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu so với báo cáo ước tính trước đó... "Kết quả trên cho thấy rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế"- Chính phủ khẳng định.

"Bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Về tình hình 4 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo, GDP quý I tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12.2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua. Sau 4 tháng, Chính phủ cho biết đã xuất siêu khoảng 684 triệu USD, thu - chi ngân sách nhà nước lần lượt đạt 36,9% và 32,9% dự toán.

Thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận, Chính phủ đã kiên trì điều hành các chính sách kinh tế trong năm 2013. Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng các cân đối lớn năm qua bảo đảm, hầu hết các thị trường hoạt động khá ổn định. "Nhờ cán cân thương mại xuất siêu và nguồn kiều hối tăng mạnh, ngoại tệ thặng dư lớn đã gia tăng dự trữ ngoại hối, thị trường ngoại hối khá ổn định" - đại diện cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết.

Tuy nhiên, cả Chính phủ lẫn cơ quan thẩm tra đều thừa nhận xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp và nợ xấu xử lý còn chậm. Đại diện cho Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu cũng nói thêm, tổng cầu nội địa còn yếu, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng trong khi nợ xấu chưa được giải quyết, tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm sút rõ rệt...

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế còn lưu ý tình trạng xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu từ khối doanh nghiệp FDI, tỷ lệ nhập khẩu về nguyên vật liệu lớn để gia công sản xuất cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài. "Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, cao su, cá tra, cá ba sa sụt giảm, công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển quá chậm, chưa tận dụng và khai thác hết các cơ hội"- đại diện cơ quan thẩm tra thẳng thắn cho hay.