Dân Việt

Nhớ mãi 3 lần gặp Bác

Hoài Thu -Hồng Đức 19/05/2014 07:11 GMT+7
Đã hơn 60 năm trôi qua, dù đang ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ký ức về 3 lần gặp Bác vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm của một nữ giám thị trại giam.
Bà là Nguyễn Thị Lữ (SN 1933), hiện đang sống tại khu phố Bắc Sơn, phường An Hoạch, TP.Thanh Hóa.

Trả món nợ giang sơn

Sau khi cách mạng tháng 8.1945 thành công, thực dân Pháp tăng cường càn quét ở các tỉnh miền Trung. Năm 1946, trong trận chiến ác liệt tại chiến trường Cổ Lũng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), cha bà đã anh dũng hy sinh, lúc ấy bà đang học lớp Yếu lược (cấp học thấp nhất trong hệ thống thời Pháp thuộc). Trước nỗi đau quá lớn ấy, ngọn lửa căm thù giặc càng bùng cháy dữ dội trong tâm hồn non nớt của bà hơn bao giờ hết. Ngày cha ra đi, cũng là ngày bà tự nhủ với lòng mình: “Nợ này phải trả, thù này phải khắc cốt, ghi tâm”.

Tấm hình kỷ niệm của 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Lữ và mọi người chụp chung với Bác. (Ảnh Hoài Thu chụp lại)
Tấm hình kỷ niệm của 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Lữ và mọi người chụp chung với Bác. (Ảnh Hoài Thu chụp lại)

Năm 1953, trước sự hy sinh anh dũng của cha bà, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã dành cho bà 2 sự “đãi ngộ đặc biệt”: “Hoặc là đi học lớp đào tạo cán bộ nguồn tại Vân Nam (Trung Quốc), hoặc là đi làm việc tại Nhà máy Dệt Nam Định”, nhưng bà đã từ chối: “Nếu có thể, các chú cho con đi bộ đội, hoặc công an để con được cầm súng chiến đấu với quân thù”.

img
Bà là Nguyễn Thị Lữ

Khoảng nửa tháng sau, lãnh đạo Ty Công an Thanh Hóa gửi bà đi học tại chiến khu Việt Bắc. Năm 1964, bà giữ chức Phó trại giam số 4 ở Bắc Thái, và gắn bó 10 năm với nơi này. Trước sự bắn phá ác liệt của giặc Mỹ, bà đã cùng đồng đội của mình giữ vững an ninh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những thành tích xuất sắc trong thời gian công tác tại Bắc Thái, bà đã cùng đơn vị được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đến năm 1984, do sức khỏe không đảm bảo, bà xin về nghỉ hưu.

Ký ức 3 lần gặp Bác

Trong đời binh nghiệp của bà, 3 lần bà được gặp Bác. Những ký ức ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm của nữ giám thị trại giam như mới ngày hôm qua.

"Ngày ấy, ai cũng bảo tôi dại vì nếu chọn đi học thì cuộc đời tôi sẽ bớt gian truân hơn nhiều. Nhưng tôi đã chọn ngành công an thì âu cũng là cái nghiệp đã vận vào thân. Và tôi đã vinh dự được gặp Bác tới 3 lần. Đó là phần thưởng vô giá của tôi”.

Bà Nguyễn Thị Lữ

Nhớ lại những hồi ức ấy, bà rưng rưng xúc động: “Lần đầu tiên, tôi gặp Bác Hồ vào năm 1953, tại chiến khu Việt Bắc. Thời điểm ấy, lớp học của tôi có tất cả 60 học viên. Vào một buổi sáng tháng 6, lớp học vẫn diễn ra như thường lệ. Đang học, tiếng của đồng chí cảnh vệ reo lên: “A, Bác Hồ! Bác Hồ đến!”.

Ngay lúc đó, bà thấy một ông cụ hơi gầy, với đôi mắt sáng, vầng trán cao, râu dài, tóc bạc mặc bộ quần áo nâu, chân đi dép cao su. Bác ân cần đến siết tay từng học viên rồi căn dặn: “Công an là công cụ sắc bén của Nhà nước, của chính quyền để phục vụ nhân dân. Vì vậy, các cô, các chú được cử đi học thì phải ra sức học tập, rèn luyện để mai này có thể trở thành những chiến sĩ công an có ích cho đất nước, đem tài, đem đức phục vụ nhân dân”.

Rồi Bác bắt nhịp cho cả lớp hát bài “Kết đoàn”. “Không hiểu sao, khi nhìn thấy Bác, tự nhiên mắt ai nấy đều nhòe đi rồi khóc nức nở mà chẳng ai nói được lời nào. Đến khi hát xong, lau khô được nước mắt thì Bác đã đi từ lúc nào”- bà Lữ trải lòng.

Năm 1957, bà lại vinh dự được gặp Bác lần nữa và vẫn trong bối cảnh như cũ, nhưng lần này lớp học được tổ chức tại Hà Đông. Nhưng điều bất ngờ nhất là khi bà đã được biên chế về tổ trinh sát của huyện Tĩnh Gia, thuộc Ty Công an Thanh Hóa và được gặp lại Bác. Đó là vào buổi sáng cuối năm 1961, hay tin Bác về thăm và làm việc tại nhà khách Tỉnh ủy Thanh Hóa, tất cả mọi người ai nấy đều mong được gặp Bác.

Khoảng 10 giờ sáng, Bác có mặt, chị Lê Thị Oanh (con gái đầu lòng của bà lúc ấy mới 4 tuổi) chạy lại chào rồi sà vào lòng Bác. Bác bế bé Oanh lên, nắm tay, ân cần hỏi han từng người một. Sau đó, bà và con gái cùng mọi người có mặt được chụp chung ảnh với Bác Hồ. “Diễn tả sao cho hết được những giây phút thiêng liêng ấy!” - mắt bà rưng rưng nước.