Dân Việt

Tăng diện tích trồng rau, chăn nuôi tại Trường Sa

Ngọc Lê 27/05/2014 07:26 GMT+7
Từ ngày 29.5 đến 7.6, Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn sẽ đi thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và nhà giàn DK1.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chuyến đi này của đoàn là tìm hiểu, đánh giá hiệu quả Dự án “Sản xuất thử nghiệm một số cây trồng, vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” được Bộ NNPTNT giao cho Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam triển khai thực hiện (2011-2014).

Từ kết quả khảo sát này, đoàn sẽ có đề nghị với Bộ để tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng mô hình này trên tất cả các đảo tại Trường Sa. “Việc quan tâm, đầu tư phát triển các mô hình, dự án mới như mô hình trồng rau trong nhà kính, chuồng trại chăn nuôi tập trung là việc làm cụ thể, thiết thực… Đây cũng là phần trách nhiệm của Bộ NNPTNT nhằm góp phần nâng đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, nhân dân trên đảo” – Thứ trưởng Nam khẳng định.

Đàn bò lai Sind sinh trưởng tốt giữa điều kiện biển đảo hết sức khắc nghiệt.
Đàn bò lai Sind sinh trưởng tốt giữa điều kiện biển đảo hết sức khắc nghiệt.

Dự án “Sản xuất thử nghiệm một số cây trồng, vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” được triển khai với 2 hạng mục chính là xây nhà kính trồng rau và nuôi thử nghiệm một số giống gia súc, gia cầm. Tháng 7.2013, hai khu nhà kính trồng rau trên đảo Song Tử Tây được xây dựng với diện tích 156m2, kinh phí hơn 600 triệu đồng từ nguồn kinh phí đầu tư của Bộ NNPTNT. Các lứa rau đã trồng đều phát triển rất tốt, kể cả khi có gió mùa mang theo hơi nước biển. Từ năm 2013 đến nay, các đảo Nam Yết trồng được trên 17 tấn rau, Sinh Tồn gần 9,4 tấn rau, Song Tử Tây khoảng 14,7 tấn rau… Ngoài ra, các đảo này cũng trồng được nhiều loại cây ăn quả, như đu đủ, dừa, mía, chuối… cho năng suất, chất lượng tương đương trong đất liền.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, từ năm 2011, Bộ NNPTNT cũng đã tặng đảo Song Tử Tây 3 con bò giống lai Sind và khi dự án tiến hành đã cấp thêm cho đảo 4 con. Bò lai Sind là giống bò lai giữa bò Sind nhập nội và bò vàng Việt Nam nên chịu được kham khổ, vóc dáng to, nhiều thịt.