Nhiều người Việt Nam đang lo ngại khi nghe thông tin (chưa biết là đúng sai tới đâu) là những đám mây phóng xạ từ Nhật Bản sẽ bay tới bầu trời Việt Nam, tác hại chưa rõ thế nào. Nhưng trong khi người ta lo “ vạ xa” thì “họa gần” đã và đang hàng ngày tung mây tung mưa trên môi trường Việt Nam.
Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin (HVS) ở Khánh Hòa xả thải bẩn ra biển thuộc vịnh Văn Phong vừa bị cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường bắt quả tang và vị Phó Tổng Giám đốc HVS phải thừa nhận và ký vào biên bản, tin ấy có thể khiến nhiều người ở Việt Nam ít quan tâm, vì lâu nay chuyện các doanh nghiệp lén lút xả chất thải bẩn ra môi trường đã thành “chuyện thường ngày ở… ta” mất rồi.
Nhưng nếu so về mức độ tai họa mà những hoạt động phá hoại môi trường có chủ đích ấy với tai họa từ thiên nhiên gây ra như chuyện sóng thần ở Nhật Bản và Nhà máy điện hạt nhân Fukushima vừa qua, thì chưa biết “tai nào ương hơn”. Những tác hại trước mắt và hậu quả lâu dài mà những hành động phá hoại môi trường ấy để lại, có thể nói, không thua gì chất phóng xạ.
Trong khi người Nhật đang hàng ngày hàng giờ nỗ lực với mức cao nhất để ngăn chặn và “khóa” lại những tác hại của phóng xạ từ nhà máy Fukushima, thì đối với những hành vi xả chất thải bẩn phá hoại môi trường ở Việt Nam, thái độ chung của không ít cơ quan chức năng cũng như của các địa phương vẫn còn thờ ơ, thiếu quyết liệt.
Nhiều quan chức còn coi đó như không ảnh hưởng gì tới mình, không phải chuyện của mình. Ngay tỉnh Khánh Hòa cũng đã hơn một lần tỏ ra nhân nhượng trước những hành vi xả thải bẩn của HVS.
Chính vì thái độ khá “bao dung” ấy mà nhiều doanh nghiệp, nhà máy trở nên coi thường và “lờn thuốc” trước những phản đối mạnh mẽ của người dân bị hại lẫn của công luận không ít lần lên tiếng.
Đó là chưa kể, phía sau mỗi hành vi xả thải bẩn với khối lượng lớn bị phát hiện, thì lại có những “hoạt động thầm” nhằm “bịt lỗ rò” từ phía các doanh nghiệp phạm tội. Tuy nhiên, để “bắt được tay day được cánh”, hay nói như trong bóng đá là “chứng cứ đâu” thì quả thật không dễ.
Dĩ nhiên, nếu họ biết chính những chất thải bẩn của họ cũng nguy hại cho chính họ như phóng xạ nguy hại cho tất cả mọi người không phân biệt, thì có lẽ họ sẽ chùn tay ?
Thanh Thảo