Lại theo bố đi biển...
Hòa trong niềm vui của hơn 1.000 lao động từ Libya trở về, khi tàu cập cảng Cái Lân, chàng thanh niên Đỗ Xuân Nhật, 22 tuổi, ở vùng biển Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh sung sướng: “Như chuyện cổ tích vậy, hơn 1.000 lao động lần lượt thoát khỏi chiếc cabin bé tẹo bước chân lên đất liền. Thế là biết mình được an toàn”.
Lao động Việt Nam trở về từ Libya lo cho tương lai của mình, khi nợ nần bủa vây. |
Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang, giọng Nhật bỗng chùng xuống: “Ước nguyện không thành, chắc em lại về theo bố đi biển...”. Ánh mắt thoáng buồn trên khuôn mặt đen nhỏ thó và mệt mỏi của Nhật khi nhìn xuống chiếc vali cũ đã bị bật nắp trong những ngày vội vàng lên tàu về nước, đủ để tôi hiểu nỗi buồn sâu lắng của chàng trai trẻ.
Nhật nói mai về nhà rồi em lại theo bố, theo anh đi biển ngay. Lại những ngày lênh đênh với biển, lại cuộc sống nghèo cũ mà em đã cố thoát khỏi khi đi làm thợ ống nước ở Libya. Giờ lỡ không may thế này đành phải chịu. Hơn hai chục triệu tiền vay nợ vẫn đang chờ ngày trả, nhưng giờ Nhật cũng không biết đến bao giờ mới trả được. Không biết phải đến bao nhiêu chuyến đi biển “thuận buồm xuôi gió” mới gom trả đủ số tiền ấy.
Là con út trong gia đình có 8 anh em nhưng cậu đâu có được nuông chiều. Từ bé Nhật đã theo bố đi biển đánh cá. Cái nghèo cứ bủa vây lấy gia đình em. Và em quyết đi lao động xuất khẩu để mong thoát khỏi con thuyền, nước biển.
Tính đến ngày đặt chân lên cảng Cái Lân, Nhật đã đi lao động được đúng 1 năm 2 ngày. Hơn 1 năm trời lại hai bàn tay trắng về nước bởi gần hai tháng cuối lao động và đi tàu, chưa một ai có lương hay trợ cấp gì. Nhìn đoàn người toàn những thanh niên trẻ như Nhật, tôi thoáng buồn, liệu còn bao nhiêu trong số hơn 1.000 người này bâng khuâng như Nhật khi ước nguyện không thành?
“Còn sức còn có khả năng trả nợ, chứ tôi 52 tuổi rồi về nhà không biết làm gì. Nợ nần đành phó mặc cho các con thôi” - bác Nguyễn Quang Hồ, quê ở Việt Trì, Phú Thọ đứng cạnh Nhật vỗ vai an ủi chàng trai trẻ. Bênh cạnh đó là bác Thắng tuổi ngót 50, đi Libya làm việc cho Công ty Galvao Brazil từ ngày 14.5.2010 hôm nay về nước cũng chỉ nhẹ thõm balô quần áo không.
Nặng trĩu nỗi lo
Mọi người an ủi nhau coi như đi một chuyến du lịch, nếm đủ mùi khổ ở xứ người. Đứng bần thần rít điếu thuốc lá vừa xin được, anh Nguyễn Đại Điển (thôn Đồng Côi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) lắc đầu: “Tưởng đi làm được tiền để nuôi hai thằng đang học lớp 8 và lớp 12, nào ai ngờ... Lúc này trong người không còn đồng xu nào nữa”.
Anh Nguyễn Đại Điển
Đi lao động từ ngày 20.4.2010, anh Điển mới nhận được 9 tháng lương. Lương của người thợ ống nước bèo bọt, làm thêm căng ra cũng chỉ được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, đấy là chưa kể chi tiêu ăn uống hàng ngày. Thành thử anh gửi về nhà chẳng được bao nhiêu, hơn cây vàng vẫn đành phải nợ theo thời buổi trượt giá.
Anh Nguyễn Khắc Hải ở Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh chắc mẩm rằng đi chuyến Libya này về quê được một khoản vốn kha khá sẽ “dựng nhà tậu trâu, lấy vợ”... Anh Hải đã bước sang tuổi 38, cái tuổi ở quê là vợ con đã đề huề lắm. “Vừa già vừa tay trắng thế này thì có cô nào dám theo nữa” - anh Hải thoáng buồn. Chuyện nợ nần đang đè nặng suy tư anh, vì vậy mà kế hoạch lấy vợ chắc vẫn phải chờ dài dài mới thực hiện được.
Hầu hết các lao động đi Libya về nước đều chung một nỗi lo nợ nần và công việc sắp tới. Dù được công ty tuyển lao động của mình lo chu đáo việc đón về nước và có thông tin tuyển lao động của một vài công ty nào đó nhưng trong họ vẫn nặng trĩu nỗi lo.
Bác Đỗ Danh Lợi, quê ở Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng làm ở Công ty Galvao bên Libya băn khoăn: “Về quê như này thì coi như mất hết tiền. Ở bên đó, cứ 3 người bọn tôi lại chơi hụi để gửi tiền về quê. Mỗi tháng mỗi người đóng vào thành 1.000 USD để cho một người gửi về quê cho ra tấm ra món.
Bởi từ chỗ làm chúng tôi đến chỗ gửi tiền cách xa hơn 120 cây số. Gửi như thế đỡ tốn kém tiền taxi lại giúp được nhau. Nhưng giờ có người coi như mất cả hai tháng vì đến lượt mình thì lại thế này đây. Tôi cũng mất đến 300 đô, mỗi người một tỉnh, về rồi thì biết đâu mà tìm. Mà có tìm được đến để đòi thì họ cũng lấy đâu mà trả mình chứ”.
Bùi Hương