Nhiều người phụ nữ ở nông thôn hiện nay còn khổ hơn bà Tú. Bởi vì, ngoài việc nhà việc đồng, thở không ra hơi, ngồi không nóng ghế, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, các bà, các chị còn phải gánh nợ.
Đây không phải cái "nợ đời" như cách nói bóng bẩy của những người bất hạnh vướng phải án chung thân với một thằng con "nghịch tử" hay một ông chồng đã nghiện rượu, nghiện chơi lại còn bạo hành. Đây là nợ thật - nợ tiền bạc, có khế ước, có cầm cố, nếu không trả được nợ thì chỉ còn một con đường là ôm chiếu ra đê, nhà gửi lại ngân hàng!
Đó là những mẹ, những chị thuộc các gia đình ngư dân, nhiều nhất là ở miền Trung, phải đưa nhà đưa đất thế chấp ngân hàng để lấy tiền đóng thuyền, mua lưới, mua xăng dầu cho chồng hoặc con ra khơi nối nghiệp cha ông, giữ gìn biển đảo.
Là những người vay ngân hàng cho chồng hay con đi xuất khẩu lao động ở khắp năm châu. Tiền thế chân nộp cho công ty môi giới lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng, gánh một cái nợ không hề tưởng tượng được đối với một gia đình nông dân nghèo khó. Là những người có “máu” hiếu học, đứng tên vay nợ cho con đang là sinh viên.
Đó là chưa kể, có thể số này nhiều hơn, vì bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn, khát vốn làm ăn hay chạy việc cho con mà phọ hải vay món nợ nóng, lãi hai, ba phân mỗi tháng. Trả tiền lãi đã khó, không biết đến bao giờ mới trả được tiền vốn, bỗng dưng gánh cái nợ đời!
Nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, thuyền đánh cá không bị bão hay "tàu lạ" đánh chìm, chồng con không bị nước ngoài bắt giữ đòi tiền chuộc, nếu không bị công ty môi giới lừa, các nước nhận lao động xuất khẩu bình an mọi sự, không xảy ra biến cố như ở Libya, nếu con cái ngoan lành, vay tiền nhà nước học thành tài để có cơ hội trả nợ...
Với những cái "nếu" may mắn ấy, tấm lưng còng của bà mẹ ở quê chắc sẽ bớt nặng nề và các bà cũng có thể ngẩng đầu lên với nụ cười hạnh phúc vì đã liều mình lo được việc khó cho chồng con. Nhưng nếu không thế thì như ta đã biết, nhiều năm nay, cảnh nợ nần đã thật sự đưa không ít bà mẹ ông bố vào thảm cảnh...
Liệu các cơ quan, ban ngành và những người luôn tự nhận "lo trước cái lo của thiên hạ" đã có những suy nghĩ, những biện pháp gì để làm nhẹ bớt sự bấp bênh của những cuộc đời như thế?
Nguyễn Quang Thân