Dân Việt

Việt Nam-Philippines tiến tới quan hệ Đối tác Chiến lược

Quang Minh 22/05/2014 06:42 GMT+7
Ngày 21.5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến Philippines dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) và thăm, làm việc tại Philippines.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, chiều 21.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino. Tại cuộc hội đàm, hai nhà Lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm thực hiện thành công Chương trình Hành động Việt Nam - Philippines giai đoạn 2011-2016 và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thông qua các cơ chế Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam – Philippines.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế- thương mại- đầu tư; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD vào năm 2016, tạo thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ… đồng thời khuyến khích tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và du lịch…

Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp hiện có, hai bên nhất trí cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Philippines, đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện lên tầm cao mới. Theo đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí lập Ủy ban công tác chung do hai Bộ Ngoại giao đứng đầu để xây dựng lộ trình tiến tới quan hệ Đối tác Chiến lược, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung của khu vực để sớm trình lãnh đạo cấp cao hai nước quyết định.

Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông. Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).