Dân Việt

11 bị can lừa hơn 570 tỷ của hàng loạt ngân hàng sắp hầu tòa

Thắng Quang 20/05/2014 16:41 GMT+7
Viện KSND Tối cao cho biết vừa tống đạt cáo trạng truy tố 11 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Công nghiệp Thương mại Thái Sơn cùng một số doanh nghiệp và ngân hàng.
Ngày 20.5, Viện KSND Tối cao cho biết đã tống đạt cáo trạng truy tố 11 bị can trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Công nghiệp Thương mại Thái Sơn (Công ty Thái Sơn) cùng một số doanh nghiệp và ngân hàng.

Công ty Thái Sơn
Trụ sở Công ty Thái Sơn.

7 bị can bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự (BLHS) gồm: Phạm Văn Thụ - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Phạm Hải Thanh - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thép Minh Thanh, Nguyễn Thị Thanh Huyền - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thiên Tân Phú cùng 4 bị can là lãnh đạo các công ty tư nhân khác.

2 bị can Lê Quý Hiển - nguyên Giám đốc HDBank Chi nhánh Thăng Long, Phan Hoàng Giang - nguyên Phó phòng quản lý hỗ trợ tín dụng HDBank Thăng Long, bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS và 2 bị can Trương Quang Đông và Phan Xuân Hoà, nguyên Trưởng phòng và nhân viên tín dụng Phòng Khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng Đông Á, chi nhánh quận 5, TP.HCM) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 BLHS.

Theo cáo trạng, Công ty Thái Sơn được thành lập từ năm 1995 do Phạm Văn Thụ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc (có trụ sở tại Nam Sơn, An Dương, TP.Hải Phòng). Quá trình hoạt động kinh doanh, công ty từng được vinh danh là “Doanh nghiệp tiêu biểu”. Trong khi kinh doanh đang thua lỗ thì Công ty Thái Sơn lại đầu tư tiền vào một số dự án có lãi suất vay ngân hàng cao nên phải bán sắt thép đã thế chấp cho ngân hàng với giá thấp để trả nợ gốc và lãi.

Cuối năm 2010, các khoản vay lần lượt đến hạn trả, hàng hóa trong kho ít lại thế chấp ngân hàng gần hết nên Phạm Văn Thụ đã câu kết với các đồng phạm sử dụng pháp nhân của 12 công ty do mình thành lập, đồng thời chỉ đạo điều hành mượn pháp nhân của các công ty thân quen để làm hồ sơ mua bán sắt thép khống, dùng số sắt thép có sẵn trong kho nhưng không phải của mình hoặc đã được thế chấp để vay số tiền hơn 509 tỷ đồng của 9 tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng TMCP Phương Đông chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đông Á chi nhánh quận 5 TP.HCM, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM chi nhánh Thăng Long (HDBank Thăng Long)…

Cơ quan tố tụng xác định, giúp sức cho Thụ có bị can Phạm Hải Thanh (con trai Thụ) đã ký nhiều hợp đồng xin vay và khế ước để Thụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 213 tỷ đồng. Ngoài ra có bị can Nguyễn Thị Thanh Huyền, nguyên là kế toán Công ty Thái Sơn và là giám đốc một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng khống giúp Thụ vay vốn, đồng thời Huyền đã chiếm đoạt số tiền 152 tỷ đồng của một số ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định các bị can Lê Quý Hiển và Phan Hoàng Giang đã ký duyệt, thẩm định hồ sơ giải ngân và nhận nợ 100 tỷ đồng đối với Công ty Thái Sơn khi doanh nghiệp này chưa đủ điều kiện chứng minh vốn tự có cho vay không có bảo đảm. Bị can Trương Quang Đông đã không quản lý, giám sát chặt chẽ về tài sản thế chấp để cho đối tác lợi dụng sơ hở, bán bớt tài sản thế chấp, gây thất thoát hơn 46 tỷ đồng.

Trong khoản tiền hơn 509 tỷ đồng đã vay của 9 tổ chức tín dụng, cơ quan tố tụng làm rõ bị can Thụ chỉ có hơn 17.500 tấn thép thật, sau khi bán đã trả được hơn 87 tỷ đồng. Như vậy, trừ đi số sắt thép có thật thì bị can Thụ và các đồng phạm đã chiếm đoạt của 9 tổ chức tín dụng tổng số tiền gần 422 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, Phạm Văn Thụ và gia đình đã khắc phục một phần hậu quả.