Nhìn lại các sự kiện diễn ra trên Biển Đông vào năm 1974, 1988 và việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam, bà nghĩ gì về cách hành xử của Trung Quốc?- Vài thập niên qua, những hành vi và phát ngôn của nước này đã lộ rõ tính chất và ý đồ bá quyền khu vực Biển Đông. Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng nói: “Đừng nghe Trung Quốc nói, hãy xem Trung Quốc làm gì”. Trung Quốc tự nói là "trỗi dậy hoà bình" nhưng đâu là những minh chứng cho lời khẳng định đó.
Nếu xâu chuỗi lại sẽ thấy những hành động của Trung Quốc thời gian qua mang tính ức hiếp không chỉ với Việt Nam mà còn với các nước khác trong khu vực, thách thức các nước lớn trên thế giới trong đó có Mỹ và đe dọa an ninh khu vực.
"Không thể tin được Trung Quốc. Họ vu cáo thô thiển coi thường dư luận quốc tế", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định. Ảnh: Asiantrendsmonitoring.
Điều khiến tôi đặc biệt bức xúc là phát ngôn ngạo mạn, bất chấp sự thật của Trung Quốc: Khi Việt Nam và các nước lên tiếng phản đối hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, thì Trung Quốc lại dối trá rằng họ đặt giàn khoan tại vùng biển không tranh chấp của họ.
Họ vu khống Việt Nam thành quốc gia đi xâm phạm vùng biển của Trung Quốc. Họ đã đổi trắng thay đen, biến Việt Nam từ nạn nhân thành thủ phạm. Thậm chí, những phát ngôn chính thức của Trung Quốc cũng vu cáo thô thiển, coi thường dư luận quốc tế: Ai có thể tin được Việt Nam lại chủ động tấn công tàu Trung Quốc tới 171 lần như những rêu rao của họ.
Phản ứng của các tổ chức hòa bình của Trung Quốc, những người dân Trung Quốc ra sao trước hành động xâm hại chủ quyền Việt Nam và đe dọa an ninh khu vực?- Không phải người Trung Quốc nào cũng đồng tình với hành động hung hăng sai trái của phía Trung Quốc.
Tôi nhớ một nhà hoạt động trong giới truyền thông Trung Quốc đã thừa nhận trước mặt mọi người tham dự một hội thảo quốc tế rằng, thế giới và các nước rất lo lắng trước cách thức trỗi dậy của Trung Quốc. Chị này thừa nhận công khai rằng chị là một trí thức, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội, hiểu được ở bên ngoài người ta cảm nhận, nhìn nhận Trung Quốc như thế nào. Tôi cũng có dịp nói chuyện với một số học giả Trung Quốc, họ cũng không đồng tình với tư duy nước lớn muốn "dạy bài học" cho nước nhỏ hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có thể làm gì?- Thứ nhất, chúng ta phải tổ chức hoạt động truyền thông có hệ thống, mạnh mẽ, rõ ràng, sắc bén và thuyết phục: minh chứng cho thế giới thấy và hiểu và để nhân dân Trung Quốc nhận ra được tính chất bá quyền và hành động sai trái của phía Trung Quốc.
Việt Nam phải đẩy mạnh truyền thông kịp thời, hiệu quả bằng tiếng Trung và nhiều thứ tiếng khác. Đề phòng phía Trung Quốc tạo dựng chứng cứ giả về "các cuộc tấn công của phía Việt Nam", chúng ta tiếp tục đưa những hình ảnh tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên các kênh điện tử. Chúng ta phải đưa cuộc đấu tranh dư luận đến tận châu Phi, Mỹ La-tinh. Riêng cộng đồng nói tiếng Pháp ở châu Phi, có rất nhiều nước được Trung Quốc viện trợ dễ bị Trung Quốc làm hiểu sai lệch.
Thứ hai, lẽ phải thuộc về chúng ta. Trong quan hệ quốc tế mỗi nước luôn cân nhắc lợi ích quốc gia, dân tộc. Họ sẽ rất ngại tham gia vào những vấn đề liên quan đến chủ quyền mà họ không nắm rõ. Nếu không biết cơ sở lịch sử pháp lý như thế nào thì việc kêu gọi mang yếu tố chủ quyền sẽ rất khó. Do đó, ta cần phát huy lợi thế, kêu gọi các quốc gia bảo vệ lợi ích chung là tự do và an toàn hàng hải khi Trung Quốc đe doạ đến nguyên trạng và ngang ngược án ngữ lối đi trên biển cả. Đồng thời, chúng ta cần đề cao lợi thế của Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm, luôn bồi đắp cho hoà bình, ổn định của khu vực. Ngược lại, Trung Quốc thường xuyên có những hành vi gây mất ổn định, phá vỡ nguyên trạng, đe dọa hoà bình an ninh khu vực.
Trung Quốc với sự trỗi dậy kinh tế, họ nghĩ có đủ thế và lực để áp đặt bá quyền qua phương thức sự việc đã rồi, thúc ép các nước trong khu vực vào khuôn khổ song phương khép kín, có lợi cho nước lớn và tránh khuôn khổ đa phương rộng mở, nơi lợi ích và dư luận các nước tạo một áp lực nhất định.
Thứ ba, Việt Nam nên tổ chức những hoạt động, tọa đàm, hội thảo quốc tế để lắng nghe những chuyên gia về luật pháp quốc tế, tập quán quốc tế trao đổi về những khu vực tranh chấp và những tiền lệ giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, có tính đến lập trường các bên liên quan và lợi ích chung về hòa bình và ổn định cũng như tự do và an ninh hàng hải tại một khu vực then chốt về địa chính trị - địa kinh tế.