Theo chu kỳ 3-5 năm/lần, các chuyên gia dự đoán 2014 sẽ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, người dân vẫn chủ quan và phòng dịch một cách đối phó, tự phát làm nảy sinh nguy cơ muỗi kháng thuốc.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 42 tỉnh, thành phố; trong đó có 5 trường hợp tử vong tại Cà Mau, Bình Dương, Bình Phước và TP.Hồ Chí Minh. Số ca mắc toàn quốc giảm tới 36,7% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng lại tăng cao ở một số khu vực miền Nam.
Gần 84% các ca mắc SXH nằm ở khu vực miền Nam, gần 13% ở khu vực miền Trung, miền Bắc chỉ có hơn 3%. Các tỉnh có số ca mắc SXH tăng cao như Bà Rịa-Vũng Tàu (tăng 36,7%), TP. Hồ Chí Minh (tăng 32,2%), Bình Dương (tăng 28,8%), Bình Thuận (tăng 5,7%), Đồng Nai (tăng 2,5%).
TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Dịch SXH bắt đầu vào mùa, do đó, thời gian tới, số ca mắc và tử vong do SXH có thể sẽ tăng cao.
Để ngăn chặn bệnh SXH hiện nay chỉ có duy nhất cách diệt muỗi. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Dương- Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư, điều đáng lo ngại hiện nay là xuất hiện nhiều loại muỗi kháng tới 2/3 hóa chất diệt muỗi, rất khó tiêu diệt. Ông Dương lo ngại, thời gian tới, nếu tình hình muỗi kháng thuốc gia tăng thì muỗi sẽ bùng phát kéo theo sự bùng phát của bệnh SXH.
Ông Trần Đắc Phu cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng muỗi kháng thuốc là do người dân tự ý mua các loại hóa chất diệt muỗi trên thị trường và sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng.
“Muốn diệt muỗi thành công thì phải theo chọn đúng hóa chất, pha chế đúng tỷ lệ, phun đúng cách thì mới hiệu quả. Tuy nhiên, người dân cứ mua thuốc xịt về, xịt bừa lên tường thì không ăn thua, còn khiến muỗi không chết, nhờn thuốc, tăng mức độ kháng hóa chất và có hại cho sức khỏe con người” – ông Phu nhấn mạnh.