Ông Vĩnh nói: Việc phát triển các mô hình tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển rất quan trọng cả về kinh tế- xã hội cũng như an ninh, quốc phòng, đặc biệt là trong tình hình phức tạp hiện nay về Biển Đông. Việc ban hành chính sách hỗ trợ này là rất cần thiết.
Chính sách hỗ trợ mới sẽ giúp ngư dân có thêm động lực ra khơi sản xuất. |
Bộ NNPTNT đánh giá gì về hoạt động của các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển hiện nay?
- Mặc dù tổ chức hợp tác sản xuất trên biển được hình thành từ rất sớm, phát triển mạnh, song số lượng vẫn còn ít, một số mô hình hoạt động mang tính hình thức, chưa tạo được sự gắn bó giữa các tổ viên, chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước. Các tổ, đội chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản; chủ tàu trong tổ, đội còn thiếu vốn để mua máy thông tin liên lạc. Một số tổ, đội được thành lập nhưng hoạt động chưa đúng theo quy ước, cam kết chung…
Ông Chu Tiến Vĩnh |
Đâu là nguyên nhân dẫn tới sự hoạt động kém hiệu quả như vậy?
- Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế hộ ngư dân còn hạn chế, nhiều nơi ngư dân khai thác mang tính tự cấp, tự túc, thiếu vốn sản xuất, sự hợp tác còn lỏng lẻo... Trong khi đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư cho tổ, đội sản xuất trên biển và các chính sách cũng rất khó tiếp cận.
Chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng nào, thưa ông?
- Chúng tôi dự kiến hỗ trợ đối với chủ tàu khai thác hải sản xa bờ (có công suất 90CV trở lên) tham gia Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển. Tổ trưởng của các tổ đoàn kết và thuyền viên hoạt động trong các tổ đoàn kết tham gia khai thác hải sản xa bờ. Về cơ bản, chính sách sẽ hỗ trợ tất cả các ngư dân tham gia khai thác trên biển; nhưng dự kiến sẽ ưu tiên cho ngư dân khai thác ở các vùng biển nhạy cảm, xa bờ trước, những tổ đánh bắt gần bờ được ưu tiên số 2…
Cụ thể, định mức hỗ trợ cho các đối tượng ra sao, thưa ông?
- Theo dự kiến, mỗi tổ được hỗ trợ sinh hoạt phí 500.000 đồng/lần sinh hoạt (mỗi năm không quá 12 lần); mỗi tổ trưởng được Nhà nước hỗ trợ phụ cấp 100.000 đồng/tháng. Đối với các chủ tàu và thuyền viên, Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và 100% kinh phí mua bảo hiểm. Nhà nước cũng cấp không thu tiền cho mỗi tàu tham gia tổ đoàn kết 1 máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có gắn GPS.
Định mức hỗ trợ như trên là quá thấp đối với ngư dân. Một vấn đề nữa, bảo hiểm cho tàu, ngư dân rất khó thực hiện. Khi chính sách được ban hành, việc này sẽ thực hiện như thế nào?
- Đúng là mức hỗ trợ như vậy là rất thấp. Chúng tôi xác định, việc hỗ trợ này mang tính động viên là chính. Điều quan trọng nhất đối với ngư dân chính là được hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên, đây là việc quan trọng nhất đối với ngư dân, do hoạt động trên biển thường gặp nhiều rủi ro. Trước khi làm tờ trình này, chúng tôi đã làm việc với các đơn vị bảo hiểm và phía bảo hiểm đã nhất trí sẽ tham gia bảo hiểm cho ngư dân.
Thời điểm thực hiện và tổng kinh phí là bao nhiêu, thưa ông?
- Như đã trình Chính phủ, chúng tôi dự kiến bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ này từ tháng 9 tới đây. Hiện cả nước đang có khoảng 3.000 tổ đoàn kết, 15.000 tàu và khoảng 150.000 thuyền viên, do đó tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách này là trên 636 tỷ đồng. Trong đó tiền hỗ trợ bảo hiểm 165 tỷ đồng/năm, máy thông tin liên lạc 450 tỷ đồng (chỉ hỗ trợ 1 lần)…
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Lê (thực hiện)