Dân Việt

Hạnh phúc của nữ đạo diễn làm mẹ hàng trăm trẻ khuyết tật

24/07/2011 07:17 GMT+7
(Dân Việt) - Thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ là được tự tay chăm lo, nuôi nấng, dạy bảo những đứa con mình sinh ra. Nhưng với tôi, niềm hạnh phúc làm mẹ lại đến từ chính những đứa trẻ khuyết tật xa lạ vốn tự ti, khép nép trước cộng đồng...

Tốt nghiệp khoá đạo diễn đầu tiên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, năm 1984, tôi về làm việc tại Nhà hát Tuổi Trẻ và phụ trách mảng sân khấu dành cho trẻ em. Những lần đưa đoàn đi diễn tại các trường tiểu học, điều tôi day dứt nhất là hình ảnh những em bé tật nguyền không có vé nên đứng ngó, nghe say sưa qua khe cửa hẹp.

"Mình phải làm gì đây để đưa nghệ thuật vào thế giới thiệt thòi của các em, xoa dịu những mặc cảm, khơi dậy khát vọng thơ trẻ đã ngủ vùi bao năm tháng" - trăn trở ấy đã thúc đẩy tôi đi học chữ nổi, cách dẫn đường bằng gậy, cách ra hiệu bằng tay...

img
Bà Phúc (bên phải) và những đứa con trong CLB.

Khi đã thạo các kỹ năng giao tiếp, ngoài thời gian làm ở nhà hát, tôi đạp xe đến những trường dạy trẻ khuyết tật của Hà Nội để dạy hát, múa cho các em. Nhớ lúc tôi quyết định thành lập "Câu lạc bộ Trẻ em khuyết tật Hà Nội" (tại Trường Tiểu học Trung Tự) bằng tiền cá nhân và vận động một số nhà hảo tâm đóng góp, không ít bạn bè, người thân lắc đầu ái ngại.

Quả thực, dạy dỗ trẻ bình thường đã mệt, làm bảo mẫu cho cả mấy chục đứa trẻ khiếm khuyết, khó khăn nhân lên gấp trăm lần. Mỗi lần đưa các con đi chơi công viên, tôi phải dùng còi để tập hợp, dùng dây ruy băng dài để các con nắm vào cho khỏi lạc nhau.

Tôi dùng toàn bộ tiền lương hàng tháng của mình để sắm xe đạp, xe lăn, quần áo, đồ dùng cho các con, mua quà, tổ chức sinh nhật cho từng đứa và đi làm thêm nghề hoá trang để có tiền bổ sung vào những bữa ăn đạm bạc. Nhờ sự chung tay của các tấm lòng hảo tâm, câu lạc bộ của tôi đã gặt hái rất nhiều thành tích, không ít lần giành Huy chương Vàng, Bạc trong hội diễn cho người khuyết tật được tổ chức hàng năm.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đó là sau gần 1 năm bền bỉ, tôi đã tập được thành công cho một trong những đứa con bị câm điếc bẩm sinh của mình hát được bài "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ". Cả hội trường chương trình kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bác Hồ tại Cung Thiếu nhi Hà Nội hôm ấy đã lặng đi, xúc động trào nước mắt khi một đứa trẻ 13 tuổi bị câm điếc từ nhỏ cất lên tiếng hát, dù những từ phát ra còn trọ trẹ...

Hè này, bước sang tuổi 63, mọi người khuyên tôi nên nghỉ ngơi, nhưng tôi không muốn rời xa những đứa con khuyết tật của mình. Vài năm trở lại đây, câu lạc bộ còn đón những giáo viên thiện tâm đăng ký đến dạy nghề hướng nghiệp như họa, đàn, may mặc, cắt tóc, thủ công mỹ nghệ, làm hương... cho các em.

Đã có rất nhiều những đứa trẻ trưởng thành từ câu lạc bộ này, tự chăm lo được cho cuộc sống của mình. Riêng tôi niềm hạnh phúc lớn nhất, dù đã ở tuổi lên chức bà nhưng vẫn được gọi là mẹ. Mai này, nếu tôi không còn nữa thì hai tiếng yêu thương “mẹ Phúc” vẫn ở lại bên những đứa trẻ tật nguyền...