Tặng cơ quan 240 cây vàngTrụ sở Bảo hiểm Xã hội tỉnh Sóc Trăng có mặt tiền hướng ra đường Nguyễn Trung Trực, một trong những con đường lớn ở trung tâm TP Sóc Trăng. Đối diện bên kia đường Nguyễn Trung Trực là trụ sở Tỉnh ủy Sóc Trăng. Còn phía sau trụ sở Bảo hiểm Xã hội là đường Trần Bình Trọng. Hai con đường cách nhau chừng 70m.
Mảnh đất mặt tiền dài 20 m đường Trần Bình Trọng của trụ sở Bảo hiểm Xã hội tỉnh Sóc Trăng, do ông Bình tặng. (Ảnh: Sáu Nghệ)
Cách nay chục năm, khi cấp đất cho Bảo hiểm Xã hội xây dựng trụ sở thì chỉ có mặt tiền đường Nguyễn Trung Trực, còn đường Trần Bình Trọng ở phía sau là đất của ông Lưu Hòa Bình: Một mảnh đất dài theo đường 20 m, sâu vô khoảng 15m. Như thế, trụ sở Bảo hiểm Xã hội sẽ không có cổng hậu ra đường Trần Bình Trọng.
Ông Lưu Hòa Bình kể, lúc đầu ông tính đổi đất với cơ quan, đất của ông thu hẹp mặt tiền lại và dịch sâu vào trong, ông có bị thiệt thòi nhưng trụ sở cơ quan có cổng hậu. Tuy nhiên, thấy thủ tục phức tạp nên cuối cùng, ông cho luôn cơ quan mảnh đất ấy.
“Làm cán bộ phải biết liêm sỉ, trung thực, chứ cứ gian dối nói mà không
làm hoặc nói một đằng làm một nẻo thì sẽ làm hại đất nước, còn bản thân
cũng chẳng hơn ai”.
Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng Lưu Hòa Bình
|
“Giá cả mảnh đất của ông Bình, thời điểm cho cơ quan, cứ một mét tới theo đường Trần Bình Trọng là 12 cây vàng, 20 m tổng cộng 240 cây vàng”, một cán bộ hành chính của Bảo hiểm Xã hội cho biết. Bây giờ, trụ sở Bảo hiểm Xã hội tỉnh Sóc Trăng có hai mặt tiền đường lớn, cả trước lẫn sau, mỗi mặt tiền dài đúng 20 m, vuông vức nom bề thế, khang trang. Ông Bình tươi cười: “Tôi cho không chứ không lấy tiền cũng không ra điều kiện gì cả. Cũng có lý do là vợ tôi sống ở huyện, không chịu ra thành phố”.
Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng: Lưu Hòa Bình
Nhà đất của ông Bình ở thị trấn Phú Lộc, huyện lỵ huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), do ông mua với người dân mà tạo dựng lên, không phải xin hoặc mua rẻ của nhà nước như nhiều quan chức khác. Trong lúc, theo tiêu chuẩn của thời đó thì ông được cấp đất cấp nhà. Ông sinh năm 1954, vào rừng tham gia kháng chiến lúc còn nhỏ, sau giải phóng mới ngoài hai mươi tuổi đã làm Bí thư xã Lâm Kiết, chưa đầy ba mươi tuổi làm Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị.
Cỡ tuổi ông khi đảm trách những chức vụ ấy đều vào hàng nhỏ nhất trong tỉnh và cả vùng ĐBSCL. Hồi ông mới về xã Lâm Kiết, người dân xì xào “tại sao đưa thằng con nít về làm Bí thư xã nghèo nhất huyện?”, được thời gian dân phát hiện ra “con nít nhưng chịu làm” nên các mặt công tác của xã đều lên.
“Tôi không bao giờ lợi dụng quy hoạch để kiếm chác cá nhân. Tài sản của gia đình tôi, khi kê khai đưa vô hết, không giấu giếm gì cả từ trước cho đến nay. Các cấp phó của tôi và anh em trưởng phòng, phó phòng thuộc diện kê khai tài sản cũng giống vậy cả, kê khai hết trơn, không giấu giếm”, ông Bình nói.
Phải biết liêm sỉ, trung thựcÔng Bình tâm sự: “Làm cán bộ phải biết liêm sỉ, trung thực, chứ cứ gian dối nói mà không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo thì sẽ làm hại đất nước, còn bản thân cũng chẳng hơn ai”. PV nhớ lại lần trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Võ Minh Chiến, được nghe câu tương tự. Hôm đó chuyện trò về gia đình, con cái, trách nhiệm của người cán bộ đảng viên, ông Võ Minh Chiến nói: “Cán bộ đảng viên phải trung thực giữ gìn bản thân vì lợi ích chung, chứ nếu không sẽ cha làm con phá”.
Ông Bình bộc bạch, cuộc sống có luật nhân quả, thiệt đằng này sẽ được bù vô đằng khác, còn tham lam gian lận thì sẽ bị lấy lại.
Cơ ngơi nhà đất của ông Bình ở dưới huyện hiện nay khá rộng rãi, riêng đất khoảng 7.000 m2, nằm bên con đường lớn. Vợ chồng ông mua nhiều lần, từ lúc đất còn rẻ mấy chục năm trước, lúc đường chưa mở rộng.
Dường như cứ mỗi lần ông nhường nhịn chịu thiệt thòi ở đâu đó thì chuyện làm ăn trong vườn nhà lại khấm khá thêm, hàng xóm láng giềng lại có người muốn bán đất cho ông. Mấy năm nay, vợ ông nuôi heo rừng, vất vả nhưng nuôi sinh thái nên luôn được giá.
Về xã Vĩnh Quới (TX Ngã Năm, Sóc Trăng) nơi chôn rau cắt rốn của ông, cây cầu bê tông “Quê Hương” do ông bỏ tiền xây dựng hơn chục năm trước ở ấp Vĩnh Đồng vẫn vững chãi. Lúc xây dựng trị giá 15 cây vàng, ông tự nguyện vì thấy trẻ con đi học đò giang vất vả. Làm xong, dân ấp và thầy cô giáo muốn lấy tên ông đặt cho cầu là “Hòa Bình” nhưng ông từ chối, xin đặt tên cầu là “Quê Hương”.
Ông tâm sự: Không thể lấy tên ông đặt cho cây cầu được bởi để có cây cầu, nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống, ông may mắn còn sống nên thay đồng đội làm cầu cho dân ấp mà thôi.