Dân Việt

Bố ơi, con đã chọn đúng nghề!

Thế giới Tiếp thị 25/05/2014 08:13 GMT+7
31 tuổi, gần chín năm theo nghề giáo, tôi mới tự tin để nói với bố câu trên. Không bao giờ nói ra nhưng tôi biết, đến giờ, ông có thể hài lòng và đồng tình với con đường mà tôi đã chọn.
Để được vậy, tôi trải qua một chặng đường rất dài. Tôi vốn học khá giỏi từ nhỏ và là niềm tự hào của bố mẹ, và là học sinh chuyên văn từ lớp 5. Bố tôi là bác sĩ, ông tha thiết ba đứa con của mình thì có ít nhất một đứa theo nghiệp của ông. Thực tế, khi tôi lớn dần lên, ước mơ thành bác sĩ thời trẻ con không còn nữa. Thể trạng yếu ớt, tính dễ xúc động, đặc biệt sợ cả máu và sợ đau nên tôi biết tôi cũng không phù hợp với nghề này. Tôi muốn làm nhà báo hay luật sư.
Nguyễn Thị Thu Huyền  Giảng viên khoa tâm lý – giáo dục,  ĐH Sư phạm TP.HCM
Nguyễn Thị Thu Huyền Giảng viên khoa tâm lý – giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM

Một chuyện buồn xảy ra năm học lớp 11 khiến quyết định của tôi chuyển hướng lần nữa. Tôi muốn học ngành tâm lý học. Tôi không cần biết học xong ra làm gì, chỉ cần học ngành nào mà trong chương trình sẽ được học các môn liên quan đến tâm lý con người để giúp tôi vượt qua tất cả những cú sốc trong cuộc đời tôi có thể gặp phải. Cách đây 13 năm thì chuyện hướng nghiệp cho học sinh gần như không có. Chúng tôi chọn nghề theo sở thích (cảm tính), khả năng đậu (không hẳn là năng lực nổi trội), truyền thống hoặc sự áp đặt của gia đình (rất nhiều), lựa chọn của bạn bè (học xa nhà cùng nhau cho đỡ buồn), khả năng xin việc (do mối quan hệ của gia đình chứ không dựa trên dự báo nhu cầu nhân lực).

Chúng tôi từng chọn nghề theo sở thích (rất cảm tính), khả năng đậu (mà không hẳn là năng lực nổi trội), truyền thống hoặc sự áp đặt của gia đình (rất nhiều), lựa chọn của bạn bè (đi học xa nhà cùng nhau cho đỡ buồn), khả năng xin việc (do mối quan hệ của gia đình chứ không dựa trên các dự báo nhu cầu nhân lực xã hội).


Đến giờ này, dù môn hướng nghiệp và các hoạt động hướng nghiệp khác được đưa vào nhà trường, nhưng khi đi dạy, tôi vẫn thấy phần lớn sinh viên của mình chọn nghề vì các lý do như chúng tôi ngày xưa. Thật đáng lo vì khả năng “lạc đường” trong chọn nghề là rất cao.

Về phần tôi, khi quyết định không nộp hồ sơ thi trường đại học Y dược mà thi ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Văn Hiến thì giông tố thực sự nổi lên trong nhà. Bố tôi từ giận dữ, chuyển sang thất vọng rồi lạnh nhạt, không nói không rằng với tôi suốt mấy tháng trời. Dù tôi đậu thủ khoa ba ngành tôi thi ở ba trường thì ông vẫn không vui. Tôi cũng rất buồn nhưng tự hứa sẽ phải thành công với con đường đã chọn để một ngày bố phải thừa nhận tôi đúng.

Tôi vào sư phạm, rất hứng thú với ngành mình đang đeo đuổi dù chưa đam mê việc trở thành giáo viên. Đây là điều rất may mắn của tôi, vì đủ mạnh mẽ và quyết tâm theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích. Hiện tại, nhiều chuyên gia tư vấn học sinh nên chọn nghề theo sở thích, cũng có người nói nên đặt năng lực làm ưu tiên hàng đầu. Theo tôi, cả sở thích lẫn năng lực đều có thể thay đổi và đều ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng thành công trong tương lai của cá nhân. Chính mỗi cá nhân mới có câu trả lời chính xác. Sở thích thì phải xem xét đó có phải sở thích lâu dài hay nhất thời, xuất phát từ những lý do cụ thể, rõ ràng chứ không chỉ “thấy vui vui, thích thích”. Năng lực không hẳn chỉ là giỏi môn học nào, mà còn hàng loạt các khả năng khác thể hiện trong các hoạt động hàng ngày như tư duy, ngôn ngữ nói, viết, giao tiếp, giải quyết vấn đề, chơi thể thao, ca hát, nhảy múa, vẽ...

Trường hợp của mình, tôi đã chọn được ngành phù hợp cả về sở thích và năng lực, nhờ vậy, kết quả học tập và niềm say mê với ngành học cũng lớn dần lên, trở thành bệ đỡ vững chắc cho những thành quả sau này tôi đạt được: trở thành một giảng viên đại học được đánh giá tốt về năng lực lẫn phẩm chất; một cây bút viết thường xuyên về các chủ đề giáo dục cho báo chí; người có thể tư vấn tâm lý – giáo dục cho phụ huynh, học sinh.

Nguyễn Thị Thu Huyền - Khoa tâm lý – giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM