Dân Việt

Xét xử vụ bầu Kiên: ACB từ chối là bị hại

Xuân Lực - Thắng Quang 29/05/2014 13:42 GMT+7
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB lập luận, Ngân hàng ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án. ACB chưa có thiệt hại 687 tỷ liên quan đến việc đầu tư cổ phiếu và khoản tiền 718 tỷ ACB đang khởi kiện yêu cầu VietinBank trả...
Sáng nay (29.5), phiên toà xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục phần tranh tụng.

Là luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB, luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến, Ngân hàng ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án.

“ACB chưa có thiệt hại 687 tỷ liên quan đến việc đầu tư cổ phiếu. Đối với khoản 718 tỷ ACB đang khởi kiện yêu cầu VietinBank trả, ACB không bị thiệt hại. ACB không có đơn yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền 687 tỷ đồng”, luật sư Đức nói.

Luật sư Đức phân tích, nếu là bị đơn thì không thể trốn tránh pháp luật. Còn đối với nguyên đơn, có phải là nguyên đơn hay không phải do ý chí hoặc nguyện vọng với 2 điều kiện: Bị thiệt hại do tội phạm gây ra và phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều này được quy định rất rõ tại Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự. “ACB không có cả hai điều kiện cần và đủ, không thừa nhận thiệt hại, không yêu cầu bồi thường”, luật sư Đức nói.

img
Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.

Theo luật sư Đức, Ngân hàng ACB chưa thiệt hại đối với khoản tiền 687 tỷ đồng liên quan đến việc đầu tư cổ phiếu. Ngân hàng ACB không có văn bản nào yêu cầu bị đơn là các bị cáo là cá nhân trong vụ này cũng như các vụ khác phải bồi thường thiệt hại.

Về khoản tiền đầu tư cổ phiếu mà các bị cáo là lãnh đạo ACB bị cáo buộc làm trái quy định làm thiệt hại 687 tỷ, luật sư Đức cho hay, việc này đã khẳng định bằng các văn bản và ý kiến tại hồ sơ cũng như tại toà. “ACBS không đầu tư vào cổ phiếu ACB, HĐQT họp giao ban chỉ ban hành nghị quyết mua một ít cổ phần giá tốt và có tính thanh khoản cao. Như vậy ACBS không trực tiếp mua cổ phần ACB mà chỉ là hợp tác với ACI, ACI HN, hai công ty này mua cổ phần. ACB không hề bị thiệt hại như cáo trạng nêu. ACB không yêu cầu ai phải bồi thường thiệt hại cho mình trong khoản 687 tỷ này. Vậy thì pháp luật không thể bắt ACB nhận là thiệt hại và phải nhận bồi thường”, lời luật sư Đức.

Liên quan số tiền 718 tỷ đồng từ việc ủy thác tiền gửi, luật sư Đức khẳng định, cáo trạng nêu Nghị quyết HĐQT của Ngân hàng ACB ban hành 2010 đã gây thiệt hại 718 tỷ, đó là nhận định không đúng pháp luật và không đúng thực tế. Bởi, Ngân hàng ACB không làm trái pháp luật khi Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn. “Việc chưa có văn bản hướng dẫn mà khép tội là không đúng pháp luật”, luật sư Đức nói.

img
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại phiên tòa.

Luật sư Đức tiếp tục khẳng định, VietinBank phải trả ACB, bởi số tiền đó đã vào hệ thống của Vietinbank và đó là số tiền gửi hợp pháp cho cả hai bên.

Luật sư Đức lập luận, việc gửi tiền vào VietinBank không sai, không sơ hở để tội phạm lợi dụng. Chỉ có sơ hở duy nhất là Huỳnh Thị Huyền Như đã đánh tráo hợp đồng.

Luật sư Đức dẫn lời đại diện VietinBank trả lời tại tòa cũng cho rằng, quy trình ký hợp đồng là hợp lệ, ngoại trừ điều không có trong hợp đồng (thỏa thuận lãi suất). Mọi sự chỉ phát sinh sau khi tiền đã vào tài khoản của VietinBank. Việc trách nhiệm của chủ tài khoản, theo văn bản pháp luật, tổ chức hạch toán theo dõi theo giấy báo dư tài khoản. Như vậy họ có trách nhiệm hạch toán, theo dõi số dư để sử dụng tiền của mình đang gửi ngân hàng. VietinBank phải trả lại tiền cho ACB vì đã nhận tiền gửi, đã hạch toán, sử dụng tiền gửi… như đối với nhiều khách hàng khác.

Kết thúc phần tranh tụng của mình, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định: ACB không bị thiệt hại, không yêu cầu bị cáo bồi thường. Xác định ACB là nguyên đơn dân sự là vi phạm pháp luật. ACB không vi phạm pháp luật khi ủy thác gửi tiền. Bên cạnh đó, vị luật sư này cũng nêu ý kiến, việc xây dựng lại pháp luật như hiện nay đang gây ra hoang mang lo lắng do doanh nghiệp và cá nhân, không biết phải làm thế nào thì mới an toàn, mới không vi phạm và bị tù tội.